Tân cử nhân đại học chật vật kiếm việc làm
Thất nghiệp, chán nản, xa rời niềm tin và lý tưởng sống… đó là tình trạng chung của không ít cử nhân đại học sau khi ra trường. Bài học lớn nhất mà họ học được, có lẽ chính là đại học không phải là tấm vé thông hành đảm bảo thành công trong cuộc sống.
Tâm lý chuộng bằng cấp, thiếu chủ động khiến nhiều người trẻ non nớt khi xác định đường vào đại học một cách đơn giản – là con đường để họ có được một tương lai tốt đẹp. Nhưng chỉ khi đã ra trường, vấp ngã trong thực tế khắc nghiệt: Tỉ lệ thất nghiệp cao, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn… họ mới thấm thía, những điều đó chỉ là “mơ”.
Ra trường đã 3 năm, vậy mà Hoàng Văn Minh (quê Thái Bình) vẫn chưa thể xin được một việc làm ổn định. Đã 3 năm nay, Minh bươn chải ở Hà Nội, qua nhiều công việc khác nhau, cả fulltime và partime, nhưng vẫn chưa nhìn thấy được một cơ hội nào tươi sáng. Tấm bằng loại Khá ngành Kế toán của một trường “top” dường như chưa đủ để Minh trụ lại Hà Nội. Cậu thừa nhận, thời gian đi học còn “lơ mơ” với thực tế công việc, không có những kỹ năng, va chạm từ thực tế, tiếng Anh lại kém là những lý do chính khiến bản thân chật vật khi xin việc.
Tương tự hoàn cảnh của Minh, nhiều bạn trẻ, thậm chí có hai, ba tấm bằng đại học, bằng nghiệp vụ, thậm chí là bằng thạc sỹ nhưng vẫn thất nghiệp.
Còn Hoàng Thị Hải Hằng (quê Thanh Hóa), một thạc sỹ khối ngành Kinh tế thì chia sẻ, cô khá hối hận vì đã không cân nhắc kĩ khi quyết định học lên cao học.
Hằng chia sẻ, lúc mới ra trường được gần nửa năm, cô không xin được việc làm, rải hồ sơ khắp nơi đều bị từ chối. Theo lời khuyên của nhiều người, và bản thân cũng đồng ý rằng, trong lúc rảnh rang vì thất nghiệp thì nên Hằng chọn học tiếp lên cao, để sau này dễ xin việc, đồng thời nếu đi làm thì mức thu nhập cũng cao hơn.
“Tốn kém thời gian, công sức lẫn khoản tiền cả trăm triệu đồng, nhưng đến giờ, mình vẫn chưa tìm được chỗ làm. Bố mẹ đang gợi ý sẽ “chạy” việc cho mình ở quê, nhưng phí bôi trơn cũng hơn 100 triệu nhưng mình thực sự rất buồn, xót tiền của và thất vọng nên chưa dám quyết định” – cô tâm sự.
Hằng bảo, trước thực tế rất buồn này, cô cũng giận mình khi chọn trường vào đại học đã quá lơ ngơ, chưa biết chọn một trường học phù hợp; khi đi học thì chưa biết tận dụng bốn năm học để tự đào tạo mình. Sai lầm nối sai lầm khiến cô lại tốn thêm thời gian học cao hơn.
Những chuyện buồn của các bạn trẻ - tốn kém và đầy mộng ước sau 4, 5 năm học đại học, để rồi vẫn thất nghiệp và thu về bao nỗi thất vọng về cuộc sống dường như không hiếm hoi trong xã hội hiện nay. Nhìn nhận những điều này, ở tầm vĩ mô, ngoài câu hỏi đặt ra với một nền kinh tế thiếu khỏe mạnh, nền giáo dục đại học “kém” chất lượng, còn phải kể đến trách nhiệm của chính những người đi học và các bậc phụ huynh.
Thực tế cho thấy, nếu tỉnh táo ngay từ khi tốt nghiệp cấp 3 với định hướng chọn ngành, nghề, chọn học đại học hay học cao đẳng, học nghề; nếu thực sự được định hướng tốt; chủ động khi vào đại học, biết tự học và tận dụng những lợi thế của trường đại học thì các cử nhân sẽ đỡ phần vất vả và mạo hiểm hơn khi ra trường.
Đối lập với những tâm trạng khắc khoải, hoang mang thậm chí là ân hận vì đã… trót học đại học của một bộ phận cử nhân, thì vẫn có rất nhiều cử nhân cảm thấy may mắn, hạnh phúc với lựa chọn của mình.
Trần Thái Mạnh – cựu sinh viên Đại học FPT chia sẻ, nhờ mạnh dạn đi theo đam mê với chiếc máy vi tính, với ngành phần mềm mà Mạnh đã có những khởi đầu thuận lợi sau 4 năm đại học. Dù ở thời điểm mà Mạnh đi học, học phí cao, điều kiện kinh tế gia đình có giới hạn và ngành học Mạnh chọn vẫn còn khá xa lạ trong môi trường của một vùng quê xa.
Thật may mắn, đúng như mong đợi của cậu, chương trình đào tạo bài bản, môi trường học tại ĐH FPT đã cho Mạnh những điều tốt đẹp ngay từ khi mới vào trường.
Mạnh say sưa kể, vào đại học, cậu không phải học những môn ngoài chuyên ngành như những đứa bạn bè đang theo học tại các trường công nghệ thông tin khác. Cậu đã có nhiều thời gian tập trung học và nghiên cứu các môn chuyên ngành; sang đầu năm thứ ba đã có một lượng kiến thức khá vững chắc về chuyên ngành.
“Bên cạnh đó mình còn được học một thứ ngôn ngữ mới là Tiếng Nhật; cây cầu nối giúp mình được tiếp cận với văn hóa Nhật Bản, cũng là đất nước nơi mình đã xác định sẽ làm việc trong tương lai. Quá trình đi thực tập tại doanh nghiệp, mình được rèn luyện nhiều kĩ năng của một nhân viên thực thụ, xác định được vị trí việc làm mà mình thực sự yêu thích” – Mạnh chia sẻ.
Theo Mạnh, một sinh viên cần xác định được rõ ràng mục tiêu, đâu là công việc mình ưa thích và đâu là vị trí mình mong muốn đạt được trong tương lai. Từ đó, sinh viên dần hoàn thiện tất cả các kĩ năng trước khi ra trường bước vào đời. Và cậu tâm đắc, vì mình đã đi đúng đường, chọn đúng trường vì làm được những điều đó sau khi tốt nghiệp đại học.
Theo Tiến sỹ Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, kết quả việc làm ngay sau khi tốt nghiệp hay mức lương khởi điểm trung bình của tân kỹ sư, cử nhân của mỗi trường đại học đều cần sự tác động tích cực của nhà trường: Liên hệ doanh nghiệp, tạo kết nối chặt chẽ giữa nhu cầu doanh nghiệp và khả năng cung ứng nhân sự của nhà trường, liên tục cập nhật các yêu cầu thực tế để điều chỉnh kiến thức giảng dạy cho sinh viên... là những điều thuộc trách nhiệm của trường đại học.
“Bộ phận giới thiệu việc làm cho sinh viên là một trong những bộ phận không thể thiếu của nhiều trường đại học trên thế giới. Đơn cử với ĐH FPT, bộ phận kết nối với doanh nghiệp và giới thiệu việc làm của trường đã góp phần không nhỏ vào kết quả 98% sinh viên ra trường có việc làm sau tối đa 6 tháng tốt nghiệp, với lương khởi điểm trung bình 8,3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, cũng cần năng động trong việc liên tục cập nhật yêu cầu thực tế từ doanh nghiệp để cải tiến, cập nhật bài giảng, cung cấp kiến thức mới nhất cho sinh viên.”, ông cho biết.