Tâm sự của “một học sinh đáng bị đánh đòn”

Giữa lúc dư luận lớn tiếng phê phán trách nhiệm của ngành giáo dục và của các thầy cô giáo đối với tình trạng “xuống cấp” của nền giáo dục và những tiêu cực trong học đường, chúng tôi nhận được một “bức thư lạ” của một học sinh lớp 12. Theo chúng tôi, đây là một bức thư “nói thẳng, nói thật”, bởi vậy xin không công bố tên của người viết.

Em là một học sinh lớp 12, và em muốn mọi người biết những suy nghĩ của em về việc học đang diễn ra xung quanh em mỗi ngày.

 

Mở đầu câu chuyện, em xin được viết một chút về quan điểm của em trong việc học.

 

Thứ nhất, học là tối cần thiết.

 

Thứ hai, em hoàn toàn đồng ý với câu cách ngôn được in trên bìa một sê-ri sổ tay đang bán ở nhà sách. Việc học ví như đi thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi.

 

Em quan niệm rằng, không học thì thôi, đã học thì phải ra dáng người đi học. Hôm nay phải khá hơn hôm qua, dù một chút thôi cũng được. Đi học cũng có nghĩa là đi "phát quang" những thứ mình còn u ơ mù mờ, bởi vậy, đi đến trường đến lớp mà không mở mang tu sửa được đầu óc và tính tình thì chưa thể gọi là "đi học".

 

Thứ ba, đối với em, việc học chưa bao giờ và không bao giờ là một việc dễ dàng. Luôn luôn, em gặp rất nhiều khó khăn và thất vọng trong việc học của mình. Năm nay em học lớp 12, nghĩa là kiến thức và độ khó chỉ mới ở mức độ trung bình. Nếu em tự coi mình là một tờ giấy trắng, và coi những điểm kém, những lời quở phạt, những nỗi buồn phiền trong những ngày đi học vừa qua là những chấm mực đen, thì e rằng, "tờ giấy em" chắc chắn đã đổi từ trắng tinh tươm thành màu sắc đặc trưng của cột nhà cháy.

 

May sao, em không phải là tờ giấy, và tất cả các chấm mực đen kia rồi sẽ phai màu dần dần theo bước đi của thời gian và cuộc sống... Nói tóm lại, theo em, việc học là một việc rất khó và rất dễ gây cho người ta nhiều nỗi buồn phiền, cay đắng...

 

Đó là quan điểm của em về việc học nói chung. Bây giờ, em muốn phát biểu về việc học của chính bản thân em, và của bạn bè em. Rộng hơn một chút, em muốn được góp ý kiến cho câu hỏi lớn trong xã hội bây giờ: đâu là chỗ khúc mắc quan trọng nhất trong việc học tập của chúng em vào thời điểm này?

 

Về việc học của em, nói một cách thẳng thắn, em thấy mình đang làm việc hơi tệ. Em nghĩ mình có thể làm khá hơn như vậy nhiều, nhưng em vẫn chưa thể đưa chữ "khá" từ mộng tưởng đó vào hiện thực được. Nếu nhận xét một cách thành thực nhất có thể, thì lỗi phần nhiều vẫn là ở em.

 

Về việc học của các bạn em, em rất xin lỗi mọi người khi phát biểu như vậy, nhưng thật sự, em thấy các bạn làm việc cũng tệ y chang như em. Tất nhiên, vơ đũa cả nắm là rất xấu, nhưng em không nghĩ là có một ngoại lệ nào trong số những bạn bè cùng lớp. Trong lớp, từ bạn hạng nhất từ trên đếm xuống tới bạn hạng nhất từ dưới đếm lên, tuy khác nhau về điểm số, về phẩy phết, về học lực, nhưng cách thức chúng em "chèo thuyền" giống nhau đến mức rùng rợn!

 

Cách làm ấy như sau:

 

Đi học thêm nhiều môn. Lớp 12 thì lại không rảnh rang chút nào. Cộng cả hai thứ lại, ta được một cái thời khóa biểu căng như dây đàn. Hệ quả của cái thời khóa biểu ấy là một tá bài tập, hai tá bài học, và ba tá căng thẳng... ngất ngưởng và giá lạnh tựa như núi Phú Sĩ của nước Nhật vào mùa đông. Đeo đuổi theo cái thời khóa biểu kinh hoàng đó trong suốt một thời gian dài, nếu người ta không chết thì cũng chơi vơi. Đó là cái khổ, cái cực!

 

Đi học phải vất vả, chuyện đương nhiên, nhưng theo ý em, hình như chúng em đang phải chịu một nỗi vất vả quá lớn so với sức khỏe và độ tuổi của mình. Nếu cứ tiếp tục thế này, em nghĩ rằng, sau dịch AIDS, sau dịch SARS, sau sự bùng nổ của bệnh ung thư, sẽ là thời vàng son tất yếu của chứng kiệt quệ!

 

Nhưng, theo em các bạn cũng có một lỗi rất lớn. Đó là lỗi "trách người mà không trách ta". Thời gian gần đây, toàn thể xã hội đang lớn tiếng đòi hỏi một sự hợp lý, một sự tiến bộ trong việc dạy và học. Em thấy rằng hàng loạt bài báo, hàng loạt diễn đàn đã được đưa ra. Các vị lãnh đạo, các thầy các cô, các bậc phụ huynh... tóm lại, đang có rất, rất nhiều những người lớn đang nỗ lực nhìn nhận những điều còn thiếu, còn sai trong việc giáo dục học sinh để sửa chữa, để khắc phục.

 

Em không được đọc nhiều (vì chính em cũng bị quay cuồng trong cái thời khóa biểu đáng ghét kia), nhưng em biết rằng xã hội đang ra sức kêu gọi và tiến hành một sự thay đổi có lợi cho em và các bạn em. Em hiểu rằng xung quanh em không khí phê bình góp ý xây dựng đang bao trùm lan tỏa. Em hiểu, do đó em cảm thấy bất bình và xấu hổ khi nhìn lại những gì em, và bạn bè em đang làm.

 

Mỗi ngày đến lớp, ai ai trông cũng rệu rã, bơ phờ. Ai cũng nhăn nhó, rên rỉ và ca cẩm. Thực tế, không phải nỗi mệt mỏi về thể chất đã làm cho mọi người có cái vẻ ngoài đáng chán như vậy, mà chính là do lối suy nghĩ bi quan và ích kỷ mà ra "nông nỗi" này.

 

Đáng tiếc là chính em cũng có những biểu hiện xấu xa và đáng đánh đòn đó (và nhân tiện, em cũng phát hiện ra rằng: chán nản, thở dài, nhăn nhó là những thứ rất dễ lan truyền đi từ người này sang người khác, có tác dụng kéo dài từ ngày này sang ngày khác, và hình như khó có thể tự nhiên mà chấm dứt được!).

 

Chính em cũng không ngớt miệng kêu ca ai oán rền rĩ cả đất trời. Chính em cũng thở dài sườn sượt mỗi sáng thức dậy. Chính em cũng gục đầu chán nản 10 lần một ngày trên bàn học. Chính em cũng cảm thấy rệu rã uể oải đến cùng cực. Mặc dù nếu có ai hỏi em rằng em có thái độ thế nào đối với sự thoái chí đó, thì em sẽ trả lời rằng: em lên án gay gắt!

 

Đã học là phải khổ.  Nhưng  việc học đem lại một ích lợi to lớn không thể tưởng tượng được. Muốn đạt cái ích lợi của việc học thì phải chịu cái vất vả của việc học. Như thế mới công bằng! Như thế mới hợp lý!

 

Đằng này, em và các bạn lại muốn vừa nhẹ nhàng mà lại vừa được hưởng lợi. Trong không khí sục sôi góp ý cho ngành giáo dục, em và các bạn chỉ biết góp nhặt những gì đọc được trên báo chí, trên internet để mà "đàm đạo thâm sâu" với nhau, để rồi sau đó gào khóc thống thiết với nhau rằng mình không đủ thời gian để làm bài tập!

 

Suốt ngày, mọi người bàn tán với nhau về "cải cách", về "sự bất hợp lý", về "cấu trúc chương trình học"... mặc dù tất cả những thứ xa vời diệu vợi và đó trước hết là trách nhiệm của người lớn, là nỗi lo của người lớn! Chuyện của em và các bạn là phải lạc quan tin tưởng và nỗ lực hơn nữa và hơn nữa... Chuyện của mình mình lại không làm, lại toàn đi ca cẩm về chuyện của người khác?

 

Em và các bạn chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của người khác, mà tự mình lại không nỗ lực cho công việc của chính mình. Em và các bạn đã hèn nhát đùn đẩy tất cả lỗi lầm và sai trái cho hệ thống giáo dục, cho chính sách, cho thầy cô, cho áp lực,...! Thật đáng "chém đầu"!

 

Như vậy, theo ý em, vấn đề gút mắc lớn nhất và nghiêm trọng nhất chính là ở tư tưởng ỷ lại, lười biếng, thụ động và hèn nhát của những người đi học, tức là của em, và của những người như em!

 

Em hy vọng rồi mai đây, mọi chuyện sẽ thật sự tốt đẹp và tươi sáng, đúng như những gì mà toàn thể xã hội đang ước mơ và hoạch định.  Em tin là sẽ có một sự thay đổi tốt đẹp được thực hiện bởi sự cố gắng của toàn xã hội, trong đó có chúng em - những người đi học.

 

Một học sinh đáng đánh đòn.

 

Theo Thanh Niên