Tâm đắc với ý kiến của Thứ trưởng Giáo dục
Nhân đọc bài “Tôi chưa bao giờ đánh con” của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, tôi thật sự tâm đắc nên muốn viết tiếp vài dòng.
Con trai tôi năm nay học lớp 9, cháu rất có cá tính, tự lập, quyết đoán nhưng rất ngoan và gần gũi với ba mẹ. Cháu thường tâm sự với ba mẹ về chuyện học hành, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ khác.
Sáng chủ nhật vừa rồi, khi hai ba con đang ngồi ăn sáng, cháu nói với tôi rằng: Ba ạ, bạn “H” sau mấy lần đến nhà mình chơi, hôm qua trong khi nhóm bạn tụi con đang ngồi chơi thì cậu ấy bảo, tớ rất ghen với cậu đấy “D” ạ. Con ngạc nhiên và bảo, là bạn tốt của cậu sao cậu lại ghen với tớ về chuyện gì? Bạn ấy bảo, tớ ghen là tại sao ba mẹ cậu không đẻ ra tớ mà lại để ra cậu, tớ chưa bao giờ được ba đối xử tình cảm và ân cần như ba của cậu.
Cháu nhà tôi kể tiếp: Sau một khoảng im lặng, rồi để phá tan sự ngạc nhiên của mọi người con bèn kể chuyện nhà mình cùng các bạn và con nói rằng, từ nhỏ đến giờ tớ chưa bị ba đánh một lần, cả mẹ cũng vậy. Các bạn con không đứa nào tin, chỉ khi bạn “H” nói, nhiều lần đến nhà cậu “D” tớ thấy qua cách hai ba con cậu ấy ứng xử với nhau thì tớ chắc chắn cậu “D” nói đúng.
Thế rồi các bạn thi nhau “tố khổ”. Bạn “L” kể rằng, lớn thế này rồi nhưng tớ vẫn bị mẹ đánh như cơm bữa, mới đây thôi, tối qua khi nấu cơm cắm điện rồi nhưng tớ quên bật công tắc, khi phát hiện mẹ la mắng như là tớ phạm một lỗi gì nghiêm trọng lắm rồi mẹ tát ngay vào mặt làm tớ nổ cả đom đóm, nói rồi bạn ấy khóc giàn dụa.
Còn bạn “H” thì kể, bố tớ không bao giờ lắng nghe con cái nói và thường đánh tớ rất vô lý. Hễ bực lên là gặp cái gì ném cái ấy, không có gì thì thượng cặng chân hạ cẳng tay, có lần tớ còn bị ông ấy cầm hai chân mà dộng đầu xuống nền nhà! Con trai tôi nói rằng, trong nhóm bạn con hầu như đứa nào cũng có chuyện để “tố”.
Tôi nghĩ rằng, cuộc sống gia đình thì như chén bát trong chạn, không tránh khỏi va chạm hoặc đôi khi bất đồng quan điểm. Tôi cũng có khi la mắng con, la mắng nhưng không tức giận con mà bằng tình thương, trách nhiệm và sự lo lắng cho con thật sự. Mỗi lần la mắng con là ngay sau đó tôi phải gọi con lại, nói với con nhưng lời ôn tồn và chân tình nhất và con tôi khi nào cùng tiếp thu một cách tích cực, nhiều lúc cháu cũng chỉ cho tôi biết là có những lúc ba giáo dục con một cách áp đặt, quan điểm của ba không phù hợp với suy nghĩ của thế hệ chúng con, và nếu thấy con đúng là tôi rút kinh nghiệm ngay.
Con gái đầu của tôi năm nay học đại học năm thứ hai. Có một kỷ niệm về cách dạy con mà đến giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy ân hận. 30 tuổi mới có con gái đầu lòng nên tôi yêu quý con hết mực, khi nào cũng nói với con những lời âu yếm ngọt ngào nhất.
Là con gái nên lúc nhỏ cô bé rất nhõng nhẽo, thời ấy còn ở tập thể, cả khu tập thể ai cũng bảo con cái quấy thế mà không cho mấy phát vào đít. Lần đó, cháu đã đi học mẫu giáo. Một hôm cháu quấy quá tôi không đánh mà đã phạt cháu bằng cách bắt đứng úp mặt vào tường!
Ngày đó bố tôi ở quê vào chơi, thấy thế ông ẵm cháu lên và bảo, cháu tôi không phải là tội phạm sao mà bắt úp mặt vào tường cho được. Bố tôi đã dỗ dành cháu và nói cho cháu rõ lý do tại sao mà cháu bị bố phạt.
Có lẽ do may mắn tôi được lớn lên trong môi trường giáo dục không có đòn roi nên tôi đã không bao giờ đánh con. Ba tôi là một người nho học, ông dạy con rất nghiêm nhưng không bao giờ đánh anh em chúng tôi. Đối với nhà trường thì tôi không so sánh là thời ấy các nhà sư phạm mô phạm hơn bây giờ, tôi cũng không so sánh là học trò thời ấy ngoan hơn bây giờ.
Thời chúng tôi cũng có trường hợp các trò bị thầy cô đánh, đó là các bạn viết chữ xấu, sai nhiều lỗi mà không sửa thì bị thầy, cô dùng thước gõ vào ngón tay để nhớ, có trò đến lớp chân lấm bùn thì bị cô gõ thước vào chân để nhớ.
Tôi nhớ, năm tôi học lớp 4, lớp tôi có câu “Th” là học sinh cá biệt, học thì kém nhưng lại nghĩ ra đủ trò nghịch ngợm. Cô giáo tôi không mời bố mẹ cậu “Th” đến trường mà cô đích thân đến nhà cậu “Th”, cô giáo tôi không khiển trách cậu “Th” với bố mẹ cậu ấy cũng không đến để bàn biện pháp giáo dục mà chỉ đến để thăm hỏi, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và gây thiện cảm với cậu “Th”. Sau đó bạn ấy đã rất mến cô giáo và trở thành một học sinh khá của lớp.
Tôi rất tâm đắc với Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa rằng, để trẻ có ý thức trong học tập và rèn luyện, theo tôi, giáo dục bằng biện pháp nêu gương là tốt nhất. Ba mẹ, thầy cô giáo phải là gương sáng cho con em, cho học sinh về đạo đức, nhân cách và trí tuệ để các em yêu mến, kính trọng và noi theo.
Đối với con cái cũng như đối với học trò khi gặp những trường hợp cá biệt thì ba mẹ, thầy cô giáo cần tìm hiểu để đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp cho từng đối tượng không nên cư xử với trẻ theo cách “phản ứng tức thời” không những không có hiệu quả mà còn phản giáo dục. Quan niệm “yêu cho roi cho vọt” ở hoàn cảnh nào hay ở thời nào cũng không nên áp dụng.
Phan Thanh Bàng
(30 Nguyễn Thái Học, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum)