Tại sao “sao” chưa gắn đã “rơi”?

(Dân trí) - Chiều 2/10, Sở GD-ĐT TPHCM công bố kế hoạch bình chọn trường THPT đạt chuẩn “sao” năm học 2007-2008. Nhưng chỉ đúng hai tuần sau đó, trước những dư luận phản đối, UBND TPHCM đã có công văn yêu cầu Sở ngừng ngay chủ trương này.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đã phải buồn bã tuyên bố rằng mọi thứ vẫn đang dừng lại ở ý tưởng chứ chưa có văn bản nào để thực hiện chủ trương này. Do đó, Sở sẽ ngừng ngay dự kiến “gắn sao”.

Từ trước đến nay, TPHCM vốn là một trong những địa phương nẩy ra được nhiều ý tưởng khá là táo bạo và sáng tạo về giáo dục. Chẳng hạn như thời gian gần đây nhất là chiến dịch “càn quét” hiện tượng lạm thu trong các trường phổ thông, Sở GD-ĐT TPHCM chính là một trong những địa phương thực hiện quyết liệt nhất với nhiều cách làm “nóng” nhất. Và lần này là ý tưởng gắn “sao”. 

Các tiêu chuẩn bình chọn trường “sao” được đưa ra gồm: Hiệu suất đào tạo của trường; Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ ĐH, CĐ trong 3 năm 2005, 2006, 2007; Phương thức tổ chức giáo dục hiện đại; Không bị phụ huynh học sinh than phiền  về vấn đề dạy thêm-học thêm và thu tiền. Tất cả các trường THPT trong thành phố, không phân biệt loại hình công lập hay dân lập, tư thục đều có thể được tham gia để bình chọn “sao”.

Xem xét các tiêu chuẩn đưa ra để bình chọn của Sở thì đều thấy đó là những tiêu chuẩn khá lý tưởng để tạo nên được một môi trường “trong sạch” nhất của bậc học này.

Tuy nhiên, trong dư luận đã có nhiều ý kiến phản ứng về ý tưởng “gắn sao”. Nhiều phụ huynh cho rằng trường nào ra sao thì phụ huynh cũng đã tự biết, hơn nữa, nếu “gắn sao” thì càng tăng thêm tệ nạn “chạy trường” mà từ trước đến nay vốn đã rất nóng trên địa bàn này...

Mặt khác, toàn thành phố đang có đủ các loại hình như trường công lập, bán công, tư thục, dân lập, trường chuyên, năng khiếu, quốc tế, tự chủ tài chính, tự chủ tài chính chất lượng cao, tăng cường tiếng Anh... nếu “gắn sao” thì có thể sự bất bình đẳng trong đầu tư cơ sở vật chất cho từng trường càng trở nên bất bình đẳng và con em họ cũng sẽ phải học trong một môi trường bất bình đẳng...

Phân tích về nguyên nhân những phản đối của dư luận TPHCM với ý tưởng “gắn sao” trường THPT, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội cho rằng để  đầu tư cho giáo dục, những người giàu hơn thì chi trả nhiều hơn, những người thu nhập thấp thì chi trả ít hơn, những người nghèo thì được Nhà nước bao cấp. Nhưng chúng ta không thể nào áp đặt một sự phân biệt đối xử như trên trong việc chi trả cho giáo dục mà không gây bất bình trong xã hội.

Việc “gắn sao” sẽ không bị phản đối và nó sẽ được xem là một cách làm đổi mới và rất cần thiết nếu nó được đặt trong hoàn cảnh như sau:

Bạn đã bao giờ trả tiền đắt hơn cho một chiếc cốc chỉ vì nó được vẽ thêm một vài ngôi sao chưa? Rất nhiều những người khá giả đã làm như vậy. Thế thì tại sao không áp dụng điều tương tự đối với giáo dục?

Thêm một vài ngôi sao để thu hút những người giàu là điều nên và có thể làm. Chỉ có điều, các “ngôi sao” phải thêm cho trường dân lập hoặc tư thục để các trường này có thể thu hút được những người giàu. Các trường công không làm được điều này vì không thể phân biệt đối xử và thu học phí cao.

Người Việt chúng ta ai mà không muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con em học tập? Nếu trường ngoài công lập có điều kiện tốt hơn, những người giàu sẽ gửi con đến các trường này và chịu toàn bộ các chi phí (Nếu họ không thích thì cứ gửi con đến trường công, không ai cấm đoán cả). Kết quả của sự lựa chọn này là Nhà nước sẽ có thêm điều kiện để chăm lo cho con em của những người nghèo. Nhờ đó, công bằng xã hội sẽ được đảm bảo nhiều hơn.

Điều gì còn đọng lại đằng sau một câu chuyện “sao” rơi? Cũng theo TS Dũng thì dư luận phản ứng việc “gắn sao” vì qua những điều mà họ thường trông thấy lại đang diễn ra theo chiều ngược lại: Công bằng xã hội trong giáo dục càng mất hơn khi việc “gắn sao” trong đa số các trường hợp sẽ lại đang chỉ được gắn cho những trường công. Mà đã như vậy thì những gia đình khá giả hơn sẽ tìm mọi cách để đưa con em của mình vào các trường này. Và chúng ta có thể tin chắc rằng, họ có nhiều cách hơn những người nghèo để làm như vậy.

Mai Minh