Tại sao ít đề thi “lạ”?

Ý kiến từ nhiều đối tượng độc giả khác nhau đều đánh giá <a href="http://www5.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2006/10/148550.vip">bài văn của Hà Minh Ngọc</a> hay và sâu sắc. Nhưng để có được một bài văn như thế, trước hết là nhờ có một đề văn đã mang đến cho Ngọc mảnh đất để thể hiện. Rất tiếc những đề văn như vậy lại hiếm có trong các kỳ thi chính thức...

Học bằng... tai và tay!

“Một bài học sâu sắc, ý nghĩa mà cuộc sống đã tặng cho em” - đó là đề văn ngắn đã được Hà Minh Ngọc thể hiện thành một bài văn đang gây xôn xao dư luận, đặc biệt là các “cư dân mạng”. Cách đây không lâu, dư luận cũng được dịp bàn bạc sôi nổi xung quanh đề thi ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 của tỉnh Ninh Thuận. Đề thi vẻn vẹn có sáu chữ “Trái tim có điều kỳ diệu” nhưng với những người ủng hộ cách ra đề sáng tạo, đề văn này là một tín hiệu đáng mừng.

Theo GS Phan Trọng Luận (Khoa Văn - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) - một chuyên gia hàng đầu về phương pháp giảng dạy văn học, một nhà giáo đã có hơn 40 năm kinh nghiệm về dạy văn, ra đề thi văn: “Một đề văn hay đề bài phải đòi hỏi học sinh suy nghĩ vận dụng, phải bộc lộ được ý kiến cá nhân. Tóm lại phải là một đề văn mở”.

Ông cũng rất tâm đắc khi dẫn chứng bằng đề văn đã được ra trong một kỳ thi ở tỉnh Thái Bình: “Kết thúc truyện Trầu Cau là cái chết của ba anh em nhưng thắp sáng lên ngọn lửa tình yêu. Anh/ chị có đồng ý với nhận định này? Vì sao?”.

Nhưng những đề văn như thế hiện nay vẫn là dạng đề “lạ” bởi sự hiếm hoi. Giữa một rừng “Hãy phân tích...”, “Hãy chứng minh...” cho vẻ đẹp này, hình ảnh kia..., đúng là rất ít thấy những đề văn có thể tạo ra một không gian mở cho học sinh. Ít đến nỗi khi có đề văn nào ra được khỏi lối mòn ấy, lập tức trở thành sự kiện.

GS Phan Trọng Luận đánh giá: cái dở nhất của đề thi văn hiện nay là chỉ chủ yếu nhắm đến khâu tái hiện kiến thức theo kiểu "nhớ lại" chứ không chú ý đến vận dụng kiến thức của học sinh. Quá trình học tập của học sinh trong nhà trường gồm ba khâu: thu nhận kiến thức, tái hiện (ghi nhớ) kiến thức và cuối cùng là vận dụng kiến thức. Nhưng đề thi hiện nay chỉ nhắm đến một khâu kiểm tra ghi nhớ, dẫn đến lối ra đề cũ, lặp lại, không có sáng tạo, người học chỉ cần tập trung cho việc học thuộc lòng...

Thậm chí, đến cả kỳ thi mang tính sàng lọc, cạnh tranh cao như thi tuyển sinh ĐH, học sinh cũng chuẩn bị bằng cách có trong tay những bài văn mẫu để tùy cơ ứng biến trong phòng thi. Học sinh đi luyện thi ĐH được đọc chép những bài văn soạn sẵn, từ cách vào bài, kết luận từng bài văn, cả cách nêu dẫn chứng... học sinh chỉ làm việc bằng tai và tay. Ở trường phổ thông, thầy cô cũng cho các bài văn mẫu, các sách luyện thi văn đầy rẫy trên các hiệu sách.

“An toàn” hơn là “hay”?

Thưa GS, có phải trong thực tế nhiều trường, nhiều giáo viên vẫn muốn ra đề theo hướng “an toàn” hơn là “hay”?

GS Phan Trọng Luận: Tôi còn nhớ như in đề văn mà thầy giáo Nguyễn Huy Tí đã ra cho chúng tôi vào năm 1945 - năm Ất Dậu xảy ra nạn đói khủng khiếp: “Anh chị nghĩ gì về cái Tết Ất Dậu năm nay?”.

Chỉ vỏn vẹn có một câu, về một vấn đề cụ thể nhưng đã đánh thức suy nghĩ đám học trò chúng tôi về cuộc sống của bản thân mình và gia đình, một vấn đề lớn lao của đồng bào, dân tộc. Văn chương là phải như thế, phải gợi cho học sinh nghĩ đến những vấn đề của cuộc sống bên ngoài sách vở. Chỉ có những đề thi “mở” mới làm được điều đó, còn nếu cứ mắc trong cái quan niệm “học gì thi nấy” thì khó sáng tạo lắm.

Năm nào cũng vậy, hầu như các đề thi tốt nghiệp, nhất là thi vào ĐH, không có gì thay đổi. Có một hai đề cố đi ra ngoài quĩ đạo cũ thì cũng ít được quan tâm khích lệ. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mấy kiểu đề với mấy chủ điểm quen thuộc: không bình giảng thì phân tích, không phân tích thì chứng minh, không chứng minh thì cao hơn là bình luận. Trở đi trở lại cũng chỉ có mấy bài thơ, mấy đoạn trích quen thuộc.

Nhưng ra đề văn hay có khó đến thế không, thưa GS?

Yêu cầu kiểm tra đánh giá trí thông minh, óc sáng tạo của học sinh - đó mới là mấu chốt để lựa chọn học sinh thực học và là yêu cầu cần phải có của mỗi đề thi, nhất là tuyển sinh ĐH. Có lần tôi được mời tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT. Tôi đề nghị thử ra đề khác đi một chút nhưng cuối cùng lãnh đạo có ý kiến “thôi cứ ra đề như cũ để không có dư luận gì”.

Có thể nói để “an toàn”, người ra đề và các cơ quan quản lý giáo dục tự trói mình trong vòng kim cô. Các giáo viên phổ thông đều có khả năng ra đề văn hay, có sáng tạo nhưng chỉ dừng ở lớp tập huấn, chẳng mấy ai ứng dụng vào thực tế giảng dạy. Chứng tỏ giáo viên của ta có khả năng nhưng cũng muốn an toàn vì việc đổi mới thi cử, đánh giá hiện nay chưa đồng bộ.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm