Tại sao học phí ĐH xứ Hàn tăng không ngừng 35 năm qua?

(Dân trí) - Trong 35 năm từ năm 1975 đến năm ngoái, học phí tại các trường ĐH công lập 4 năm ở Hàn Quốc tăng 25 lần còn học phí của ĐH tư thục tăng 29 lần, theo số liệu của Ngân hàng Hàn Quốc và cơ quan Thống kê Hàn Quốc.

Trong khi đó, giá gạo chỉ tăng 6,6 lần và giá nhà thuê tăng 10,8 lần trong cùng giai đoạn.

Nếu coi giá học phí ĐH năm 2005 được tính là mức chuẩn 100, thì học phí trung bình của các ĐH tư thục vào năm 1975 chỉ là 4,3 nhưng tăng đến 11,6 vào năm 1980, 27,3 vào năm 1990, 71,4 vào năm 2000, và lên tới 126,6 năm ngoái. Con số này tại các ĐH công lập cũng tăng từ 5,2 đến 130,2 trong cùng giai đoạn.

Trong khi đó, giá gạo tăng 6,6 lần từ 14,6 đến 96; giá thuốc lá tăng 6,7 từ 14,8 lên 100; giá nhà thuê tăng 10,8 lần từ 10,3 đến 111,1. Như vậy sự tăng giá học phí đáng kể nhất trong giá cả của các hàng hóa và dịch vụ.
 
Tại sao học phí ĐH xứ Hàn tăng không ngừng 35 năm qua? - 1
Sinh viên ĐH Phụ nữ Ewha biểu tình phản đối học phí tăng hồi tháng 4/2011. (Ảnh: Korea Times)

Trước đây, học phí ĐH tăng cao là một gánh nặng với các bậc phụ huynh ở vùng nông thôn, buộc họ phải bán bò sữa - thứ được coi là tài sản duy nhất của họ. Trong năm 1980, một con bò sữa giống nội ở Hàn Quốc nặng 600 kg có thể “gánh” cho khoản học phí 4 năm ĐH (340.000 won tức 502 USD/năm) bởi vì khi đó một con bò sữa có giá 1,18 triệu won (1.743 USD).

Với giá gia súc ở Hàn Quốc sụt giảm xuống mức dưới 4 triệu won (3.700 USD)/con trong năm nay, các bậc phụ huynh sẽ cần phải bán hơn 2 con bò sữa để trả học phí 1 năm tại ĐH tư thục.

Trước đây, các trường ĐH Hàn Quốc được gọi là “tháp bò sữa” thay vì “tháp ngà”, bởi vì các bậc phụ huynh phải bán bò sữa để chi trả tiền cho con em theo học ĐH.

Ngày nay, các trường ĐH xứ Hàn được gọi là “tháp xương sống" bởi vì các bậc phụ huynh phải làm việc vất vả đến nỗi mà xương sống của họ còng đi để con em họ có thể theo đuổi học ĐH.

Thậm chí kể cả trong những năm 1970 và 1980, học phí ĐH cao hơn mức thu nhập trung bình hàng tháng của một gia đình 4 người. Thời gian đó với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp phổ thông đi học ĐH ở mức thấp, việc cho con em đi học ĐH là một sự đầu tư đáng kể.

Trong năm 1975, chỉ 25,8% tú tài Hàn Quốc đi học ĐH. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1990, tỷ lệ tú tài học ĐH tăng nhanh và kéo theo đó học phí nhanh chóng nhảy vọt. Việc chính phủ giao quyền cho các ĐH tư thục quyết định học phí kể từ năm 1989 là một chất xúc tác cho học phí leo thang. Bởi vì các trường ĐH được phép quản lý tài chính mà không chịu sự can thiệp của chính phủ, sự khác nhau giữa mức học phí của các trường ĐH ngày càng mở rộng.

Đặc biệt, học phí tăng vọt kể từ năm 2000. Theo phân tích của Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ, năm 2000, học phí trung bình tại các ĐH công lập ở mức 2,19 triệu won (2.022 USD) và học phí ĐH tư thục là 4,51 triệu won (4.164 USD). Năm ngoái, con số này lần lượt tăng tới 4,29 triệu won (3.961 USD) và 7,35 triệu won (6.790 USD).

Trong giai đoạn 10 năm từ năm 2000 đến 2010, học phí tại các ĐH công lập Hàn Quốc tăng tới 93% còn học phí ĐH tư thục tăng 68%. Trong cùng giai đoạn này, giá tiêu dùng tăng 31%.

Một chuyên gia giáo dục nhận định: “Khi tỷ lệ học sinh phổ thông theo học ĐH ngày càng cao và đạt mức 80% vào năm ngoái, việc theo học ĐH đã trở thành một quyền lợi thay vì một đặc quyền, và các bậc phụ huynh đang chịu áp lực lớn để trả học phí ĐH đắt đỏ cho con em mặc dù việc học ĐH không đảm bảo cho họ một lợi ích kinh tế đặc biệt nào”.

Xuân Vũ
Theo Donga