Tai nạn trường học: Phụ huynh rụng rời nghe điện thoại từ nhà trường

(Dân trí) - Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn trong trường học dẫn đến cái chết thương tâm của học sinh. Điều này làm các gia đình càng thêm bất an về sự an toàn của con trẻ khi đến trường.

Có điện thoại hỏi con là hoảng

Đối với những gia đình có con nhỏ đi học, nỗi sợ lớn nhất là điện thoại từ nhà trường hay từ giáo viên đột ngột gọi cho mình. Hầu hết các vụ tai nạn thương tâm ở trường học, khi sự việc đã rồi, phụ huynh mới được nhà trường gọi thông báo.

Chị Trần Thị Loan, có con học ở Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho hay, chỉ cách đây mấy hôm, chị đã suýt xỉu tại chỗ khi nhận cuộc gọi từ số điện thoại cố định gọi hỏi “Chị có phải là mẹ của bé Bảo Ngọc không?”. Cho dù chưa biết chuyện gì, chị Loan đã rụng rời, buông ngay điện thoại, không nói nổi một lời.

Phụ huynh tại TPHCM hết sức lo lắng về sự an toàn của con khi tới trường
Phụ huynh tại TPHCM hết sức lo lắng về sự an toàn của con khi tới trường.

Sau đó, chồng chị phải gọi điện lại thì mới hay, cuộc gọi đến từ trung tâm ngoại ngữ con chị đang theo học, họ gọi để thông báo lịch thi cuối tuần của cháu.

“Tôi theo dõi báo chí, liên tiếp những vụ tai nạn khiến HS tử vong mà tôi bất an quá. Nghe đâu ai gọi hỏi con mình là sợ”, chị Loan nói.

Từ nỗi bất an đó, nhiều phụ huynh đặt ra đủ biện pháp nhằm đảm bảo an toàn cho con. Có người buộc phải từ chối cho con tham gia vào các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, hay liên tục dặn dò con về những tai nạn có thể xảy ra ở trường học.

Chị Nguyễn Thanh Thúy, nhà ở Q.2, TPHCM, có hai đứa con nhỏ chia sẻ chị thường xuyên trao đổi với các con về những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra trong trường. Qua đó khéo léo nhắc nhở các cháu biết bảo vệ bản thân, tránh xa những địa điểm, những trò đùa nghịch không an toàn.

Nhưng người mẹ cũng bày tỏ rằng, phụ huynh đang làm những điều chủ yếu để trấn an tinh thần. Có vô vàn sự cố họ khó lường trước được, không nằm trong khả năng tự bảo vệ của các em mà phải phụ thuộc vào mức độ đảm bảo an toàn trong nhà trường. Chưa kể ở độ tuổi các em hiếu động, thích chạy nhảy, đùa nghịch.

An toàn học đường: Mới mạnh trên giấy?

Chỉ trong một thời gian ngắn, tại TPHCM liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của HS. Một chiếc tủ đựng đồ bán trú có thể lấy mạng học trò; học trò đùa nghịch tử vong khi trượt cầu thang; sáng học trò tham gia vào chuyến tham quan của nhà trường, chiều gia đình đón tin con chết vì ngạt nước ở công viên; HS chết đuối khi học bơi… Tai nạn chết người rình rập HS mọi lúc mọi nơi, trong nhiều hoạt động vui chơi và học tập.

Từ lâu, Sở GD-ĐT TPHCM đã cảnh báo về những mối nguy thiếu an toàn cho HS ngay trong nhà trường, yêu cầu các trường chú ý. Đặc biệt, sau mỗi vụ tai nạn thương tâm, Sở lại có những văn bản nhắc nhở, hướng dẫn các trường chú ý đến công tác bảo đảm an toàn trường học.

Mới đây, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các trường học trên địa bàn tiến hành rà soát toàn bộ cơ sở vật chất nhà trường đảm bảo cho công tác xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích.

Song song đó là việc dựng phương án phòng chống tai nạn, thương tích và triển khai, tập huấn rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên, HS. Đồng thời, Sở cũng có văn bản chỉ đạo hoạt động ngoại khóa của các trường phải xây dựng các phương án bảo đảm an toàn cho HS và được Sở “duyệt”.

Nhưng dường như việc biện pháp đảm bảo an toàn học đường cho HS chủ yếu còn nằm trên giấy, trên những văn bản chỉ đạo nhiều hơn là việc thực hiện hóa. Các trường chưa có những hành động rõ ràng, cụ thể trong việc đảm bảo cho các em.

Sau vụ HS lớp 1 trên địa bàn quận bị tủ đựng đồ bán trú đè chết, ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp cho rằng, tránh nhiệm chính thuộc về phòng vì chưa sâu sát, quản lý đến nơi đến chốn gây tai nạn đáng tiếc. Hơn nữa hiện nay, các trường vì tập trung lo cho chuyên môn mà sao nhãng sự an toàn của HS.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, một vụ việc đau lòng xảy ra với HS chính là kinh nghiệm cho tất cả các trường, phải thật chú tâm đến việc đảm bảo an toàn cho HS trong mọi hoạt động. Các trường phải kiểm tra thường xuyên những vật dụng liên quan đến sinh hoạt, học tập, vui chơi của các em và lường hết các tình huống để hạn chế tối đa rủi ro.

Hoài Nam

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm