SV hệ tài năng muốn "bỏ cuộc"?

Chương trình đào tạo quá nặng trong khi mục tiêu đào tạo chưa rõ ràng. Đó là lý do khiến nhiều cử nhân tài năng muốn bỏ cuộc.

Qúa tải?

 

PGS -TS Nguyễn Chu Hùng, trưởng Ban đào tạo ĐHQG TPHCM cho biết, hầu hết các chương trình đào tạo đối với các ngành của chương trình KS,CN tài năng đều được thiết kế quá nặng so với chương trình đại trà; chưa kể phần nâng cao, chuyên sâu hoặc các chuyên đề.

 

Tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, có ngành lên tới 299 đơn vị học tập. Ở ĐH Khoa học tự nhiên cũng có ngành lên tới 272 đơn vị học tập.

 

Mục tiêu đào tạo chưa rõ và chưa sát thực nên còn gây hoài nghi, tranh cãi và hiểu chưa thống nhất trong cán bộ giảng dạy . Từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá kết quả học tập của HS. Ví dụ như: thầy cô giáo đòi hỏi quá cao (như giỏi toàn diện ở các môn học) tạo ra sức ép cho SV. PGS.TS Trương Văn Chung, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn  nhận xét.

 

Áp lực của chương trình nặng khiến một số SV của hệ cử nhân tài năng đã tự động chuyển sang hệ chính quy. Họ thấy một số lớn SV yếu của hệ cử nhân tài năng không nhận được học bổng nhiều hơn SV hệ chính quy và phải học, phải thi khó hơn. PGS-TS Dương Minh Đức – Trường ĐH Khoa học Tự nhiên nêu thực tế.

 

Cần đổi mới… “đầu vào”?

 

Để giảm tải cho SV hệ tài năng, TS Hoàng Văn Việt, trưởng khoa Đông Phương (ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn) đề xuất: chương trình đào tạo nên phân  theo 2 giai đoạn.

 

Trong giai đoạn đầu, SV được học một số môn nhằm trang bị kiến thức, lý thuyết và phương pháp khoa học. Trong giai đoạn sau, cứ từ 1 đến 3 người, tuỳ  vào năng lực, sở thích, chuyên gia về một số lĩnh vực khoa học SV có thể được thầy hướng dẫn cho tập sự tham gia chương trình nghiên cứu, các đợt nghiên cứu thực địa và dự các buổi lên lớp của thầy. Vào cuối mỗi học kỳ, giáo viên hướng dẫn sẽ có những nhận xét gửi cho Ban chủ nhiệm khoa về thái độ, chất lượng học tập của SV. Thầy sẽ là người góp phần quyết định đến “tài năng” của SV….

 

TS Hoàng Văn Việt, trưởng khoa Đông Phương (ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn) đề xuất, việc tuyển chọn sinh viên học lớp cử nhân tài năng nên dựa vào kết quả học tập của năm học đầu của ĐH. Thực tế cho thấy, chỉ có môi trường học tập ở trường ĐH mới đánh giá khả năng chính xác và đầy đủ khả năng của SV được. Điểm tuyển đầu vào ĐH không phản ánh hoàn toàn đúng khả năng học tập của SV. 

 

Đồng tình với quan điểm này, TS Trương Mỹ Dung – ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đề nghị: ngoài sự tuyển chọn nguồn tuyển sinh ĐH nên chăng có thêm 2 môn : ngoại ngữ và môn năng khiếu dành cho chuyên ngành.

 

Theo Cam Lu
Vietnamnet