Sự vô cảm đáng sợ

Theo một khảo sát gần đây, hơn 50% giáo viên và phụ huynh cho rằng, bạo lực học đường hiện nay rất phổ biến, dù giới nghiên cứu vẫn chưa thống nhất cách gọi về hiện tượng này. Báo chí thường dùng cụm từ “bạo lực học đường”.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Theo một số nhà nghiên cứu, bạo lực học đường không chỉ gồm các hành vi xâm phạm thể xác. Một số nước dùng khái niệm “bắt nạt học đường” (school bullying) để chỉ các hành vi tiêu cực được lặp đi lặp lại, có ý định xấu của một hoặc nhiều học sinh nhằm trực tiếp chống lại một học sinh, người có khó khăn trong việc tự bảo vệ bản thân. Những hành vi này ngoài việc xâm phạm thân thể, còn là bạo lực về ngôn ngữ, giới tính…

Thậm chí trong nhiều trường hợp, hành vi bạo lực ngôn ngữ, thông qua những lời lẽ đe dọa, miệt thị còn để lại hậu quả đối với nạn nhân lớn hơn cả việc hành hung. Nhưng chính vì không có dấu hiệu xâm phạm thân thể nên chúng thường bị xem nhẹ. Giới chuyên gia chỉ ra rằng, trẻ bị bạo lực học đường thường chán nản, lo âu, ngại đến trường, lơ là việc học hành, có thể dẫn tới stress hoặc trầm cảm. Tình trạng này nếu không được phát hiện và giải quyết sớm, có thể ảnh hưởng cả quãng đời về sau của trẻ.

Vì sao bạo lực học đường phổ biến? Trong một hội thảo mới diễn ra tại TPHCM, một số nhà giáo dục cho rằng, đây là hậu quả của việc nhà trường quá chú trọng việc dạy chữ, dạy kiến thức mà chưa cân bằng điều đó với việc dạy làm người. Thêm vào đó, những hành vi bạo lực học đường không được phát hiện sớm, không được xử lý triệt để.

Hành vi xấu không bị lên án, bị trừng phạt khiến trẻ hư ngày càng lộng hành và ngoài nạn nhân, những đứa trẻ khác cũng tỏ ra thờ ơ, vô cảm hơn. Lẽ ra phải lên tiếng, phải hành động bảo vệ người yếu thế. Nhiều trẻ coi hành vi bạo lực học đường là chuyện thường, miễn chúng không phải là nạn nhân. Có lẽ đây là lý do nhiều trẻ sẵn sàng chứng kiến bạn bị đe dọa, bị hành hung, thậm chí dửng dưng quay lại cảnh đó để tung lên mạng như một trò vui.

Trẻ thờ ơ với nỗi đau của người khác có khả năng trở thành những người lớn vô cảm. Mà một xã hội đầy những kẻ vô cảm thì đáng sợ biết nhường nào.
 
Theo Anh Minh
Tiền Phong