Sự thật về vụ "Chấm lại bài thi để nâng điểm" ở Ninh Thuận

Thời gian gần đây, nhiều báo đã đưa về việc Ninh Thuận chấm lại bài thi tốt nghiệp THCS để nâng điểm cho học sinh. Giám đốc Sở GD-ĐT thì trả lời rằng việc này làm theo quy chế (!?). Vậy sự thật như thế nào?

Mới đây, chúng tôi nhận được một bức thư khác của một giáo viên tham gia chấm thi, trong đó kể lại quy trình chấm lại "theo quy chế" mà Sở đã làm.

 

Sau khi đã chấm xong toàn bộ 100% bài thi và kết quả thống kê trên máy tính cho thấy chỉ có hơn 81% đậu tốt nghiệp, Sở đã quyết định cho tiến hành chấm lại. Với cách làm đầy tính "sáng tạo và kịp thời" này, Sở hy vọng sẽ có tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 95,2% như năm trước; nhưng "lực bất tòng tâm" vì  kết quả chỉ nâng lên được đến 91%!

 

Cách chấm lại được lãnh đạo Sở "bật đèn xanh" như sau: nhìn vào bìa sơmi của từng xấp bài để lấy ra những bài có điểm số từ 0,5 đến 4,5 điểm và sửa lại bằng cách gạch điểm số đã có rồi cộng vào 0,5 điểm theo cách làm tròn số. Thế là việc chấm lại tất cả những bài thi dưới 5 điểm trong tổng số hơn 36.000 bài thi đã hoàn tất trong một buổi.

 

Cách chấm lại này dẫn đến điều vô lý: chẳng hạn những học sinh thi 4 môn có điểm số thực chất là 4,5; 4,5; 4,5 và 4,5 (18 điểm) hoặc 4,5; 4,5; 4,5 và 5 (18,5 điểm), sau khi được “chấm lại” thì đỗ tốt nghiệp. Còn những học sinh có điểm số: 5; 5; 5 và 4,0 (19 điểm) hoặc 5; 5; 4,5 và 4,0 (18,5 điểm) thì lại hỏng tốt nghiệp. Và chưa kể đến bất hợp lý khi điểm Toán và Văn nhân 2 để xét tuyển vào lớp 10.

 

Như vậy, nguyên nhân sâu xa và có thể xem là hợp lý nhất của việc “chấm lại” này chính là căn bệnh thành tích của các lãnh đạo: tỷ lệ tốt nghiệp năm nay phải cao hơn năm trước để chứng tỏ sự tiến bộ trong điều hành, quản lý và thực thi chiến lược giáo dục. “Lợi ích của học sinh” hoàn toàn không được tính đến. Lý do “có quá nhiều giám khảo mới đi chấm thi lần đầu” như trong ý giải trình của Sở GD-ĐT gửi đến UBND tỉnh cũng không thuyết phục.

 

Theo Thanh Bình

Thanh niên