Sử dụng tình huống phim trong giảng dạy để hình thành năng lực cho sinh viên
(Dân trí) - Trường UEH vừa chính thức sử dụng tình huống phim đưa vào giảng dạy nhằm hình thành các kỹ năng của người công dân toàn cầu, giúp nâng cao năng lực giải quyết vấn đề cho sinh viên.
Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), Khoa Kế toán đã kết hợp cùng Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức tập huấn và chính thức đưa tình huống phim vào giảng dạy trong năm 2021.
Dạy học bằng tình huống phim (THP) là một trong những phương pháp dạy học tích cực góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, đầu tư chiều sâu cho yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Đây là phương pháp dạy học hữu hiệu nhằm mang lại niềm vui, hứng thú, khơi gợi niềm say mê, tìm tòi chiếm lĩnh tri thức; phát triển tư duy, và giải quyết vấn đề; từ đó hình thành ở sinh viên (SV) nhân cách của người lao động mới, tự chủ, sáng tạo, có khả năng giải quyết tốt các tình huống do cuộc sống đặt ra.
Hình thành năng lực giải quyết vấn đề thực tế cho sinh viên
Tình huống phim là công cụ hiệu quả giúp SV hình thành mục tiêu, kích thích động cơ học tập, đồng thời thúc đẩy các hoạt động, các tương tác giữa các SV, giữa SV với GV, và giữa SV với bối cảnh phim.
Bối cảnh phim đáp ứng mục tiêu học tập, cung cấp thông tin cho người học thông qua các hình ảnh, âm thanh. Người học sẽ quan sát hiện tượng trong bối cảnh xác định.
Việc liên tưởng với kiến thức được học và với kinh nghiệm bản thân về thông tin sẽ hình thành động cơ, kích thích SV hoạt động thông qua các tương tác để đưa ra các dự đoán, nhằm hình thành nên sản phẩm học. Sản phẩm học chính là các năng lực - trong đó có năng lực giải quyết vấn đề - sẽ có được trong quá trình tương tác với phim. Quá trình này là một chu trình, nó được mở rộng qua các bối cảnh phim được xây dựng phù hợp với mục tiêu học tập.
Những lợi ích tích cực khi sử dụng phim tình huống giúp giảng dạy hiệu quả hơn
Tình huống phim giúp tăng cường khả năng ghi nhớ và khả năng hiểu bài, cho phép người học nhớ các môn học một cách dễ dàng và tạo ra sự diễn đạt phong phú. Bên cạnh đó, phương pháp này còn hỗ trợ tư duy sáng tạo. Nhờ thời lượng phim, câu chuyện được tạo ra ngắn gọn, tiết kiệm và tập trung vào chủ đề mong muốn; việc người học dần xuất hiện thói quen suy nghĩ bằng những hình ảnh trực quan và hình ảnh sẽ giúp củng cố lại kiến thức. Do đó, nhu cầu nhắc lại kiến thức cũ trong các giờ học giảm dần và hình thành khả năng nhớ lâu.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng khiến sức mạnh của quan sát tăng lên nhờ sự tham gia tích cực người học. Kỹ năng đánh giá các mối quan hệ của con người, giải thích sự tương tác lẫn nhau của các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội, và thiết lập mối quan hệ nguyên nhân-và-kết quả của người học tăng lên. Người học phát triển khả năng làm việc nhóm, nhận trách nhiệm, hoàn thành trách nhiệm và trải nghiệm thành tích nhóm. Hơn nữa, tình huống phim giúp minh họa nội dung chủ đề được lựa chọn, để suy luận và thiết lập mối liên hệ với những kiến thức được dạy trước đó.
Tình huống phim và UEH
Nhận thức được những lợi ích của việc sử dụng tình huống phim trong việc hình thành các kỹ năng của người công dân toàn cầu, Khoa Kế toán trường Đại học Kinh tế TPHCM đã kết hợp cùng Hiệp hội kế toán công chứng Vương Quốc Anh và xứ Wales (ICAEW) tổ chức tập huấn và chính thức đưa tình huống phim ICAEW False Assurance vào giảng dạy.
TS. Bùi Quang Hùng - Phó Hiệu trưởng UEH chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng tình huống phim không chỉ dành cho một môn học mà có thể ứng dụng cho nhiều môn học, tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực. Việc sử dụng tình huống phim được thiết kế phù hợp trong giảng dạy sẽ giúp UEH tăng cường tính thực tiễn, tính toàn cầu và tính hội nhập của chương trình đào tạo, giúp người học học tập hiệu quả hơn nữa."
Ngay sau buổi tập huấn, nhiều giảng viên khoa Kế toán đã triển khai sử dụng bộ phim trong học kỳ mới. Khi được hỏi về tính hiệu quả của phương pháp học bằng tình huống phim so với phương pháp tình huống truyền thống, các bạn sinh viên hào hứng chia sẻ: "Học tình huống dạng phim giúp lớp học sôi động hơn, dễ tiếp thu kiến thức hơn. Việc chia nhóm thảo luận tình huống trong phim cũng giúp sinh viên năng động hơn khi học online, được khuyến khích trình bày ý kiến của mình nhiều hơn thay vì chỉ nghe giảng từ thầy cô" - bạn Hoàng Ngọc Tường An (KNC02-K45 ĐHCQ) cho biết. Bạn Trần Gia Bảo (KNC01-K45 ĐHCQ) thì cho rằng "Thông qua việc xem bộ phim và kết hợp với quá trình nghe giảng bài thì em thấy dễ tiếp thu kiến thức hơn và hiểu lý thuyết sâu hơn".
Hiện nay, khi hoạt động đào tạo trực tuyến đang đóng vai trò cốt lõi thì việc sử dụng tình huống phim như phim ICAEW False Assurance trong giảng dạy lại càng thích hợp, nhất là trong các lớp học hỗn hợp (blended) hay đảo ngược (flipped). Người giảng dạy sẽ dễ dàng thực hiện nguyên lý thiết kế bài giảng đảm bảo các tính chất kết hợp (combination), phân đoạn (granularity), tái sử dụng (reusability), tương thích (interopenability). Người học sẽ có sự chủ động nhiều hơn trong việc thu xếp thời gian học tập, có nhiều môi trường tự do hơn để sáng tạo, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và hoàn thành mục tiêu học tập.