Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam:
"Sự cố thi cử chủ yếu do kỹ thuật!"
(Dân trí) - “Do tính chất của kỳ thi chứng chỉ nên đã có sự chểnh mảng từ sở đến địa phương. Nhưng rất may là các sai sót diễn ra vừa qua không phải do tiêu cực mà do nhận thức về tính chất kỳ thi, và chủ yếu là do kỹ thuật là chính.”
Liên tiếp tại hai kỳ thi chứng chỉ ở tỉnh Quảng Nam đều xảy ra sự cố khiến dư luận không khỏi băn khoăn về công tác chỉ đạo, quy trình tổ chức thi của Sở GD-ĐT tỉnh này. Dân trí đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam Nguyễn Tấn Thắng để tìm hiểu nguyên nhân.
Ông có thể nói gì về các sự cố vừa qua?
Thứ nhất là từ trước đến giờ chúng tôi luôn đặt trọng tâm vào các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh đầu cấp, do đó cả ngành đều tập trung vào các kỳ thi này. Còn các kỳ thi để lấy bằng nghề hay các chứng chỉ thì chỉ có một bộ phận có nhu cầu, diễn ra cục bộ ở một số địa phương nào đó nên không có sự tập trung đầu tư của toàn ngành.
Thứ hai, có thể nói, việc đầu tư của ngành vào đó cũng có giới hạn. Ví dụ, nguồn lực đầu tư cho các kỳ thi chứng chỉ là do người học đóng góp vào chứ không có ngân sách hỗ trợ; giáo viên thực hiện lệnh điều động coi thi không nghiêm bởi phần lớn là giáo viên không tham gia giảng dạy nghề; thi vào ngày nghỉ. Trong lúc đó, tiền trả cho giám thị rất thấp, chỉ 20.0000 đồng/ngày.
Theo quy trình thi thì bất kỳ kỳ thi nào cũng giống nhau. Tuy nhiên, về mặt khách quan, do tính chất của kỳ thi chứng chỉ nên đã có sự chểnh mảng từ sở đến địa phương. Nhưng rất may là các sai sót diễn ra vừa qua không phải do tiêu cực mà do nhận thức về tính chất kỳ thi, và chủ yếu là do kỹ thuật là chính. Chẳng hạn, thời gian môn tin học THPT ghi trên đề thi là 25 phút nhưng kéo dài đến 45 phút; hay đề chẵn, lẻ của môn tin học THCS không được phân phát xen kẽ cho các thí sinh.
Hiện sở đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra những sự việc vừa qua để sớm có kết luận chính xác. Theo tôi, nặng nhất là việc thời gian thi 25 phút bị kéo dài ra 45 phút và có khả năng phải tổ chức thi lại môn này (có 40 thí sinh dự thi).
Theo ông Trần Thanh Thủy - Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Núi Thành, tất cả các môn nghề phổ thông lâu nay đều có thời gian thi là 45 phút và không hề có việc thi theo đề chẵn, lẻ mà chỉ thi chung 1 đề. Ngay cả văn bản hướng dẫn của Sở GD-ĐT về kỳ thi này cũng không hề nói đến điều này.
“Lãnh đạo hội đồng thi không biết đã đành, các giám thị và thí sinh cũng không hề biết cho đến khi kết thúc thi mới có thông tin. Lúc đó kiểm tra lại thì chúng tôi mới tá hỏa”, ông Thủy cho biết.
Trong khi đó, lãnh đạo hội đồng thi ở một huyện thừa nhận mình cũng không biết là thời gian làm bài thi môn tin THPT chỉ có 25 phút (thay vì 45 phút như các môn khác và lâu nay) và môn tin THCS thi theo đề chẵn, lẻ. Rất may là khi mở bì đựng đề thi, đọc đề thi đã phát hiện điều này. |
Việc thi theo hai đề chẵn, lẻ là một cách để tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Tuy nhiên, do quá trình triển khai thực hiện lại không đồng bộ dẫn đến những sai sót kỹ thuật. Từ ý tưởng chỉ đạo của lãnh đạo đến người thực thi có một khoảng cách và điều này cần phải được chấn chỉnh.
Trở lại vấn đề giám thị. Như ông đã nói, việc chấp hành lệnh điều động làm giám thị tại các kỳ thi chứng chỉ của giáo viên chưa nghiêm dẫn đến tình trạng giám thị vắng nhiều gây khó khăn cho kỳ thi. Vậy ngành không có chế tài gì để giữ kỷ cương cũng như đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc?
Thi tốt nghiệp hay tuyển sinh thì việc chấp hành của giáo viên lâu nay đều rất nghiêm túc. Giáo viên nào xin nghỉ phải làm đơn có lý do chính đáng và được sự đồng ý của giám đốc Sở mới được nghỉ. Tuy nhiên, thi chứng chỉ thì thực tế một số giáo viên chưa chấp hành tốt vì những lý do như tôi đã nói.
Tất nhiên, thời gian tới ngành phải có một qui định để buộc giáo viên làm công tác giám thị khi được điều động chứ không thể để tái diễn tình trạng giáo viên “tránh” làm nhiệm vụ.
Xin cám ơn ông!
Tường Vy