“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”

Vài tháng nay, quán cà phê Hải Đăng phường 8, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trở thành điểm hẹn yêu thương của bà con lao động nghèo. Bởi nơi đây mỗi tuần đều tổ chức ít nhất 2 buổi phát bánh mì, cà phê, thức ăn, nước uống… miễn phí.

“Điểm tựa” của bà con lao động nghèo

Chủ quán là chàng trai vóc người nhỏ nhắn, nguyên là giảng viên khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Tiền Giang - Thạc sĩ Triết học Nguyễn Hải Đăng. Anh cũng là người phụ trách nhóm thiện nguyện mang tên “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” - 1

Thạc sĩ Triết học Nguyễn Hải Đăng.

Vào sáng thứ Tư, Chủ nhật hàng tuần, “Tủ bánh mì từ thiện” của quán lại phát bánh mì kẹp thịt, chả cá… và cà phê đá miễn phí cho bà con lao động nghèo. Số lượng mỗi lần phát từ 60 đến 100 ổ bánh mì, 50 ly cà phê đá, trị giá từ 800.000 - 1 triệu đồng.

Tủ bánh mì từ thiện do Hải Đăng và chị Đặng Ngọc Sương cùng “khai sinh” với sự góp sức của các nhóm thiện nguyện, các chi đoàn thanh niên... trên địa bàn TP Mỹ Tho và các huyện lân cận như Chợ Gạo, Châu Thành…

Trước buổi phát bánh mì, các tình nguyện viên tìm chỗ bán chả, thịt, dưa… uy tín, giá tốt rồi tự tay chọn lựa và chế biến để có ổ bánh mì chất lượng nhất, tiếp sức cho người nghèo mưu sinh trong ngày.

Đáng ghi nhận, không phải lúc nào những “khách hàng” cũng chịu “mua” bánh mì 0 đồng. Có khi được tặng bánh nhưng họ từ chối vì nhiều lý do rất dễ thương như “hôm nay có đồ ăn rồi”, hay “hôm qua bán được nên có tiền ăn sáng rồi”... Chị Huyền - một tình nguyện viên, cho biết, chị thấy vui vì người nghèo họ chỉ nhận bánh khi thật sự cần thiết.

Bà Trần Thị Hiệp và cháu trai là Huỳnh Trí Tài (HS lớp học tình thương) là khách hàng ruột của quán. Ba mất, mẹ bỏ đi, Tài ở với bà Hiệp trong khu nhà trọ ở phường 8, TP Mỹ Tho. Hai bà cháu thường đến quán rất sớm để phụ một số công việc lặt vặt rồi đi bán vé số. Ngày nào, bán về sớm họ lại ghé vô phụ giúp nhóm thiện nguyện.

Bà Hiệp cho biết: “Tôi không có tiền thì góp công vậy. Cháu tôi và mấy đứa bạn bán vé số của nó ngày nào cũng đến đây nhận thức ăn nước uống rồi còn được tặng cả quần áo, tập vở…”.

Ông Võ Thành Tâm (68 tuổi, bán vé số) tay run run cầm ổ bánh mình cho biết: “Tôi bị bệnh Pakinson, bán vé số được ít lắm. Mỗi tuần 2 lần nhờ bánh mì và uống cà phê miễn phí ở đây giúp tôi đỡ khoản chi tiêu. Hơn nữa, bánh mì và cà phê ở đây rất hợp khẩu vị với tôi, giúp tôi vững bụng mưu sinh!”.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” - 2

Chi đoàn Công an TP Mỹ Tho tham gia phát nước uống từ thiện tại quán cà phê Hải Đăng.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” - 3

Quán cà phê Hải Đăng - nơi phát bánh mì, cà phê miễn phí cho bà con nghèo.

Điểm hẹn của những tấm lòng

Tham gia làm công tác thiện nguyện từ ngày còn ngồi trên giảng đường, Hải Đăng thường cùng nhóm sinh viên Trường Đại học Tiền Giang tổ chức các buổi trao quà nhân dịp đầu năm học, cùng tổ chức trò chơi, văn nghệ cho các em nhỏ. Hải Đăng không chỉ hát hay mà còn tạo hình bong bóng rất nhanh khiến các em thích thú. Hải Đăng cho biết, xuất thân từ gia đình đông anh em, phải vất vả mưu sinh nên anh hiểu và cảm thông với người nghèo và lúc nào cũng muốn sẻ chia với họ.

Quán cà phê Hải Đăng ra đời là ấp ủ từ lâu của anh, bởi Đăng muốn kiếm thêm một ít tiền cho công việc từ thiện, và hơn hết là có một điểm hẹn của bà con lao động nghèo và những tấm lòng sẻ chia vì cộng đồng.

Nhiều khách đến quán uống nước, thấy công việc thiện nguyện của Đăng nên đã chung tay ủng hộ, người vài chục ngàn, người vài trăm ngàn… để tiếp sức cùng Đăng duy trì tủ bánh mì thiện nguyện. Có người còn đến quán tặng mớ rau, con cá…, nhờ thầy Đăng chuyển cho người nghèo hoặc tặng thầy “ăn lấy thảo”.

Hàng tháng, một số thầy cô từ các huyện trong tỉnh Tiền Giang đến đây nhận học bổng về trao cho học sinh nghèo. Bởi từ năm 2011, nhóm thiện nguyện của anh Đăng đã thực hiện dự án học bổng dành cho hơn 20 học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn... trên địa bàn tỉnh. Dự án sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt, các khoản học phí, quần áo… cho đến khi các em ra trường đi làm.

Hải Đăng, chia sẻ: “Hai tháng đầu, quán có thâm hụt vốn, nhưng đến tháng thứ 3, khách đến ủng hộ quán đông dần nên đã bắt đầu có lãi. Công việc thiện nguyện cần thời gian lẫn tiền của nên anh phải tạm gác việc giảng dạy để bước sang kinh doanh. Tuy vậy, anh đang lo lắng bởi nghe nói tiền thuê mặt bằng sẽ tăng. Đăng dự tính sẽ dời quán sang nơi khác nhưng chỉ sợ người nghèo không biết chỗ mà tìm!

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, đó là tên nhóm thiện nguyện mà Đăng đang phụ trách (trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang) và cũng là quan niệm sống mà chàng trai nhân hậu này lựa chọn.

Theo Xuân Uyên

Giáo dục & Thời đại

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm