Sóng ở đáy sông

Dù biết rằng một khi kỳ thi tốt nghiệp THCS được bỏ thì xã hội tiết kiệm được một khoản không nhỏ, áp lực thi cử được giảm thiểu đáng kể ở cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh..., nhưng sao vẫn còn nhiều băn khoăn khi nạn chạy điểm, chạy trường cứ “đến hẹn lại lên”.

Một lần nhắc đến chuyện Bộ GD-ĐT quyết định bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS từ năm học 2005-2006, anh bạn tôi, một giáo viên THCS tại một huyện nghèo của Hải Phòng, than thở: “Còn thi tốt nghiệp thì học trò còn chịu học, bỏ thi rồi không biết chúng nó có còn thiết tha học hành nữa không. Vùng này nghèo, học xong lớp 9 là về nhà cày ruộng, đánh cá với cha mẹ mà!”. Tôi hỏi: “Thế học là để thi tốt nghiệp à?”, anh cười buồn: “Phần lớn là vậy!”.

 

Một người bạn khác là tân cử nhân một trường ĐH thành viên ĐHQG TPHCM cũng chia sẻ với tôi lo lắng: “Thi tốt nghiệp đã nhiều tiêu cực, không thi mà xét điểm thì tiêu cực sẽ càng có nhiều cơ hội phát sinh. Ai quản hết được những cuộc chạy điểm ở những cấp “vĩ mô” mà tiền bạc, địa vị là chất bôi trơn?”.

 

Bỏ kỳ thi tốt nghiệp THCS, chúng ta sẽ không còn cơ hội chứng kiến những con số thống kê tỉ lệ tốt nghiệp “cực đẹp” song ảo nhiều hơn thật; chứng kiến những cuộc đối chất, giằng co, qui trách nhiệm khi tỉ lệ tốt nghiệp quá thấp so với “láng giềng” hay những trò gian lận thi cử tinh vi... Nhưng đổi vị trí cho những “con sóng trên mặt nước” ấy có khi là những “con sóng ở đáy sông” mà dù lạc quan cách mấy chúng ta vẫn không khỏi lo lắng.

 

Dù biết rằng một khi kỳ thi tốt nghiệp THCS được bỏ thì xã hội tiết kiệm được một khoản không nhỏ, áp lực thi cử được giảm thiểu đáng kể ở cả giáo viên, học sinh lẫn phụ huynh..., nhưng sao vẫn còn nhiều băn khoăn khi nạn chạy điểm, chạy trường cứ “đến hẹn lại lên”, khi tư tưởng học để thi, để có bằng cấp vẫn còn bám chặt trong không ít học sinh lẫn phụ huynh.                                                 

 

Theo Trung Uyên

Tuổi Trẻ