“Sốc” trước bài luận bằng chữ cổ của một học sinh | Báo Dân trí

“Sốc” trước bài luận bằng chữ cổ của một học sinh

(Dân trí) - Một học sinh trung học ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đã trở thành “hiện tượng” mới trên Internet sau khi gửi một bài luận được viết theo dạng “sấm ngữ” (chữ được khắc trên xương hoặc yếm rùa) trong một cuộc kiểm tra đầu vào ĐH gần đây.

Bài luận kì dị này làm bùng nổ cuộc tranh luận giữa các nhà ngôn ngữ học và các nhà giáo dục ở Trung Quốc. 

“Sốc” trước bài luận bằng chữ cổ của một học sinh  - 1

Huang Ling đã lên kế hoạch gây ấn tượng với giám khảo bằng một bài thi độc đáo
 

Trong quá trình chấm thi, một nhóm các giáo viên đã rất ngạc nhiên khi họ chấm đến một bài luận với đề bài Familiar (Thân thuộc) được viết hoàn toàn bằng các ký tự Trung Quốc cổ xưa. 

 

Các ký tự dạng này từng được khắc trên mai rùa và vỏ xương trong thời kỳ cổ xưa (vì vậy mới có thuật ngữ “Sấm ngữ”). Trước sự việc bất thường này, các giáo viên đã phải gọi điện tới một nhóm các chuyên gia ngôn ngữ để trợ giúp chấm điểm bài thi này. 

 

Thế nhưng, sau khi chuyển các ký tự cổ này sang ngôn ngữ hiện đại, hội đồng chấm thi chỉ đánh giá bài luận ở mức trung bình vì cho rằng nó đã lạc đề. 

 

Huang Ling, học sinh viết bài luận đặc biệt này nói rằng cậu đã lên kế hoạch cho việc làm táo bạo này từ rất sớm: “Tôi đã lập kế hoạch cho nó rất cẩn thận. Tôi muốn gây chú ý cho ban giám khảo”. Huang Ling là học sinh của trường Nanshan Middle ở thành phố Miên Dương, Tứ Xuyên.  

 

Pu Tichao, giáo viên văn học và ngôn ngữ của Huang đã rất bất ngờ  khi nghe được thông tin này và phê bình Huang cực kỳ nghiêm khắc. Nhưng ông cũng phải thừa nhận rằng: “Thật không dễ dàng gì cho một học sinh trung học viết được bài luận 800 chữ theo lối cổ xưa như vậy trong một thời gian ngắn”. 

 

Pu nói tằng Huang rất tự tin vào vốn hiểu biết của cậu về chữ viết Trung Quốc cổ xưa. “Trong số 1.000 ký tự cổ thì Huang nắm được tới 700-800 ký tự”, thầy giáo Pu khẳng định.
 
“Sốc” trước bài luận bằng chữ cổ của một học sinh  - 2

 

Niu Jing, giáo viên chủ nhiệm của Huang còn tin chắc rằng Huang hành động như một cậu bé tuổi teen bốc đồng điển hình. “Huang xuất thân từ một gia đình nông thôn, bố mẹ cậu đi làm trên thành phố suốt năm. Huang thường dùng những mánh khóe kiểu này để gây chú ý trên lớp học”. 

 

Không cao lắm, với cặp mắt kính, Huang trông hiền lành và trầm tính. “Tôi đã bắt đầu thấy quan tâm về chữ viết cổ vào năm thứ hai phổ thông trung học”, Huang lý giải, “Thầy giáo của tôi, Pu Tichao giải thích sự phát triển của chữ viết Trung Quốc từ các ký tự khắc trên mai rùa, xương đến phong cách hiện đại như bây giờ, và điều đó đã giúp tôi rất nhiều”. 

 

Bài luận của Huang Ling đã làm bùng nổ một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng, với cả sự khen ngợi lẫn những lời chỉ trích. 

 

Liu Zhao, một giáo sư tại khoa nghiên cứu văn hoa và di tích cổ, Đại học Fundan, Thượng Hải khen ngợi Huang là “đã sử dụng nhiều loại chữ Trung Quốc cổ trong tác phẩm của mình, và hầu hết đều rất chính xác”. 

 

Tuy nhiên, một giáo sư tại Khoa Báo chí, trường Đại học Tứ Xuyên cho rằng các quy tắc của kỳ thi cần được siết chặt để đảm bảo các bài thi viết bằng chữ viết Trung Quốc đã được đơn giản hóa (giản thể). 
 
“Sốc” trước bài luận bằng chữ cổ của một học sinh  - 3

Nhiều trường đại học đã bày tỏ sự quan tâm đến bản đăng kí của Huang.

 

Nhiều cư dân mạng thì lại tỏ ra xúc động trước bài luận của Huang: “Hầu hết trẻ em bây giờ chỉ thích nhận điểm tốt và không còn quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những học sinh như Huang thật hiếm gặp và rất đáng quý”. 

 

Một số khác thì không cho là như vậy: “Kỳ thi kiểm tra đầu vào đại học có những tiêu chuẩn. Nếu các ký tự cổ được chấp nhận, chúng tôi sẽ làm bài kiểm tra của mình trên sao hỏa”. 

 

Mặc dù chỉ nhận được điểm số nghèo nàn trong cuộc kiểm tra, bù lại nhiều trường đại học đã bày tỏ sự quan tâm đến bản đăng kí của Huang. 

 

Còn với Huang, tất cả chỉ là tình yêu dành cho ký tự cổ. “Tôi đã xác định sẽ tiếp tục học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này”, Huang khẳng định. 

 

Võ  Hiền
Theo china.org.cn