Sinh viên Việt Nam “nhắm mắt làm chui” ở Pháp

Kiểu đi làm không khai báo (làm chui) rất nguy hiểm bởi có thanh tra đến kiểm tra giấy tờ đột xuất, sinh viên có nguy cơ bị trục xuất, chủ có thể bị 3 năm tù giam, nộp phạt 45.000 Euro và đóng cửa tiệm trong vòng 5 năm.

Chính sách xã hội của Pháp khá ưu đãi. Hầu hết sinh viên (SV) bản xứ đều nhận được học bổng theo dạng trợ cấp xã hội nếu hội đủ các điều kiện như sau: Gia đình đông con (ít nhất ba con dưới 18 tuổi), học xa nhà (từ TP này sang TP khác hay từ quê ra tỉnh), cha mẹ ly dị, thu nhập cha mẹ ở mức tối thiểu.

Thế nhưng đa số SV Pháp vẫn muốn tìm việc làm thêm để có cơ hội va chạm thực tế, rèn luyện khả năng làm việc theo nhóm và để có thêm tiền rủng rỉnh bỏ túi.

Gian truân tìm việc

Đối với hầu hết SV Việt Nam du học tự túc, có việc làm thêm là có thêm nguồn thu nhập đáng kể để trả tiền nhà, tiền ăn, tiền đi lại, tiền thuê bao điện thoại...

Ngoài cách tìm việc làm trên trang Google, SV còn nhiều cách khác như qua CROUS (Trung tâm Hỗ trợ SV-HS cấp vùng về nhà ở, việc làm, học bổng, trợ cấp xã hội), CRIJ (Trung tâm Thông tin cho giới trẻ cấp vùng về nhà ở, việc làm, du lịch) hoặc ANPE (Trung tâm Giới thiệu việc làm cấp quốc gia); qua báo chí hay tin rao vặt dán tại góc SV của trường, của ký túc xá. Cách tốt nhất là qua bạn bè giới thiệu.

Tìm được việc làm thêm phù hợp giữa hàng triệu kết quả tìm kiếm trên mạng hay hàng loạt tin rao vặt đã khó, chờ đến lúc chính thức được đi làm còn khổ ải hơn. Từ lúc gửi CV (lý lịch) và đơn xin việc đến lúc nhận được hồi âm có khi mất hàng tháng trời.

Ký được hợp đồng làm việc, nhiều trở ngại khác lại xuất hiện. Nguyên nhân do thủ tục hành chính nhiêu khê như phải xin giấy phép làm việc hoặc chủ không nhận nữa vì nhận SV nước ngoài làm việc phải làm giấy tờ quá phiền phức.

SV Việt Nam thường chọn những việc dễ kiếm, không đòi hỏi tay nghề cao như thu ngân, sắp xếp hàng hóa siêu thị, làm cho nhà hàng thức ăn nhanh (Quick, McDonald’s, KFC...), chạy bàn, rửa chén, phụ bếp, làm việc nhà, làm phòng khách sạn. Nhàn hơn thì trông trẻ, làm gia sư.

Dịp hè, SV có thể tạm từ giã việc làm thêm cuối tuần với tiền lương ít ỏi để làm công việc toàn thời gian ở TP khác hay thậm chí ở nước láng giềng. Mục đích nhằm thay đổi không khí và trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như vốn ngoại ngữ.

Một số SV về vùng đồng quê hái hoa quả hay thu hoạch nho. Số khác đến các khu nghỉ mát, khu cắm trại làm công việc không nhàn nhã cho lắm, đó là quét dọn nhà vệ sinh. May mắn hơn có thể làm hoạt náo viên trong khu cắm trại.

Chuyện dở khóc dở cười

SV ta làm thêm tại nhà hàng Trung Quốc hay Việt Nam cứ tưởng họ cùng sắc tộc, cùng quê hương thì sẽ tốt bụng. Thực ra họ bóc lột hết mức, nhất là SV mới chân ướt chân ráo sang Pháp.

Tôi đã từng làm cho bà chủ là người Việt gốc Hoa. Làm hai ca từ 10 giờ đến 15 giờ chiều, rồi từ 18 giờ đến 24 giờ khuya, vậy mà lương vỏn vẹn 40 Euro, tính ra chưa tới 4 Euro/giờ trong khi mức lương tối thiểu quy định (SMIC) lúc đó hơn 6 Euro/giờ.

Lương trả ít, bà chủ còn thu hết tiền boa của khách, bảo bỏ vào ống heo, cuối tháng chia chung cho mọi người. Thế nhưng cuối tháng không thấy tiền đâu! Mấy năm nay, lương SMIC tăng nhưng lương các nhà hàng châu Á vẫn vậy.

Không chỉ trả lương thấp, các nhà hàng châu Á còn trốn thuế, tức không khai báo có nhận người làm hoặc có khai thì chỉ khai làm 1-2 giờ/ngày vì họ phải trả cho nhà nước gần 50% lương trả cho SV.

Đi làm không khai báo, bên đây gọi là làm chui, làm “noir” hay “black”. Kiểu làm này rất nguy hiểm bởi có thanh tra đến kiểm tra giấy tờ đột xuất, SV có nguy cơ bị trục xuất, chủ có thể bị 3 năm tù giam, nộp phạt 45.000 Euro và đóng cửa tiệm trong vòng 5 năm.

Luật là luật nhưng họ vẫn trốn thuế, vẫn bóc lột. SV ta vẫn nhắm mắt làm chui do không còn cách nào khác. Người may mắn thì được làm việc cho các tập đoàn siêu thị (Carrefour, Auchan), nhà hàng ăn nhanh hay nhà hàng của Pháp. Họ làm ăn rất quy củ và ký hợp đồng đàng hoàng.

Tại Pháp, một số công việc làm ít giờ có thể không cần khai báo nộp thuế như trông trẻ, phụ việc nhà, gia sư. SV tự thỏa thuận mức lương, giờ giấc làm việc với chủ nhà. Người trả lương theo tháng, theo giờ, người theo lương SMIC hay hơn một tí, nói chung là khá thoải mái.

Hiện tại mức lương SMIC là 8,63 Euro/giờ trước thuế hay 6,78 Euro/giờ sau thuế. Dịp hè, nếu đi làm toàn thời gian trong ba tháng, SV có thể thu nhập tới 4.000-5.000 Euro.

Với thu nhập này, SV đủ trang trải cho chín tháng học mà không cần chạy đôn chạy đáo làm thêm trong năm học. Đó là lý do tại sao nhiều SV mấy năm liền không về thăm gia đình trong dịp hè.

Trước đây, SV Việt Nam muốn đi làm phải xin cấp giấy phép lao động tạm thời. Người xin cấp phải có giấy tờ lưu trú hợp pháp, thẻ SV và giấy hứa nhận làm việc của nơi nào đó. Thời gian làm việc tối đa là 50% tổng số giờ làm việc hợp pháp mỗi năm (tương đương 804 giờ).

 

Từ ngày 1/7/2007, điều kiện làm việc của SV nước ngoài có thay đổi như sau: 1. Bỏ giấy phép lao động tạm thời. Chỉ cần có giấy phép lưu trú ghi rõ mình là SV;

 

2. Người tuyển dụng phải khai báo với cơ quan cấp giấy phép lưu trú trước khi ký hợp đồng ít nhất hai ngày; 3. Số giờ lao động tối đa là 60% tổng số giờ làm việc hợp pháp mỗi năm (tức 964 giờ).

 

SV không tuân thủ quy định sẽ bị thu hồi giấy phép lưu trú hoặc sẽ không được cấp trong lần xin gia hạn tới.

Theo Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm