Sinh viên thực tập và những tiếng “kêu cứu”
Thực tập là giai đoạn quan trọng của sinh viên, giúp sinh viên có cơ hội làm việc thực tế nhằm củng cố kĩ năng, chuẩn bị cho giai đoạn làm việc thật sau khi tốt nghiệp.
Nhưng hiện nay, đây là một trong những chủ đề xuất phát nhiều tiếng kêu nhất từ cả sinh viên lẫn doanh nghiệp.
Sinh viên “kêu cứu”
Bản thân là người trong cuộc, trực tiếp tham gia quá trình thực tập, sinh viên các trường Đại học có thể nói hàng giờ về chủ đề này, nội dung chính chỉ để… kêu. Điều đáng nói, tiếng kêu của sinh viên có lúc hoàn toàn đối lập nhau, khiến người quan tâm cũng rối bời và người muốn giúp cũng phải hoang mang.
Giai đoạn thực tập là cơ hội quý giá để sinh viên học hỏi kinh nghiệm thực tế, tự tin bước vào môi trường công việc sau khi tốt nghiệp. Nhưng bên cạnh đó không ít sinh viên thực tập xác định sai mục đích của kì thực tập.
Đ.T.Hà, sinh viên năm cuối Trường Đại học Thăng Long phàn nàn vì đi thực tập bị bóc lột quá sức. Cô bạn đi thực tập tại một tổ chức phi chính phủ do nhà trường giới thiệu với các bạn cùng khoa. Sau thời gian đi du học ngắn hạn ở Ý về, cô có vốn ngoại ngữ hơn hẳn các sinh viên cùng nhóm, nên được “đặc cách” giao nhiều việc hơn hẳn. “Trong lúc các bạn khác ngồi chơi nhàn nhã thì tớ làm hộc bơ. Thực tập 9 tuần, đóng 1,1 triệu đồng cho trường để trường chuyển cho chỗ thực tập làm chi phí, nhưng đến máy lạnh tớ cũng không được dùng thoải mái. May mà cuối cùng cũng hết 9 tuần.”
Ngược lại, Thùy Linh, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, cô bạn về thực tập tại sở tư pháp của một địa phương và công việc thường xuyên nhất hàng ngày là chơi facebook, đếm thời gian để hết giờ đi về. 14 tuần thực tập xong, Linh gần như không thu thập thêm được nhiều kiến thức và phàn nàn vì quá tốn thời gian.
Xuân Tâm, cựu sinh viên khoa Tự động hóa - Đại học BK HN chia sẻ về thời gian thực tập trước khi ra trường: “Mình đi thực tập trong 3 tháng, toàn bộ thời gian chỉ đến một nhà máy và chỉ được xem xét nghiên cứu đúng một cái máy phục vụ cho đồ án tốt nghiệp, không được nhúng tay vào bất kì việc gì khác. Rất nhiều sinh viên trường mình đi thực tập như thế, không lương không kinh nghiệm không gặt hái gì nhiều sau 3 tháng. Một số ít thì được nhận lương nhưng không đáng là bao vì chỉ là khoản tượng trưng”. Xuân Tâm tốt nghiệp ĐH BK năm 2009 và vẫn ngao ngán khi nhắc lại thời kì thực tập chung thủy với một cỗ máy duy nhất trong suốt 3 tháng.
Cá biệt, sinh viên Trường ĐH FPT lại kêu than vì đi thực tập không được trả lương xứng đáng. Vốn được “hậu thuẫn” từ tập đoàn FPT, sinh viên ĐH FPT không phải vất vả đi tìm chỗ thực tập, thậm chí còn thuộc nhóm sinh viên đặc biệt vì nghiễm nhiên tham gia vào công ty công nghệ lớn nhất nhì Việt Nam, lại được đào tạo và làm việc thực tế, nhưng một số sinh viên trường này vẫn không ngớt phàn nàn trên các diễn đàn rằng mình đang chịu bất công vì hình như sẽ phải đi thực tập không có lương hoặc lương không xứng đáng. Thực tế thì khi sinh viên tham gia vào dự án thực tế, có đóng góp thực tế cho doanh nghiệp, sinh viên sẽ được trả mức thù lao tương ứng. Nhưng điều này cũng làm dấy lên suy nghĩ cho nhiều người, vì dường như việc đưa sinh viên đi thực tập, nhúng vào môi trường doanh nghiệp thật để học hỏi trong thời gian dài tới 8 tháng ngay từ năm thứ ba của Trường ĐH FPT - một chương trình hiện đang được đánh giá là rất hiệu quả, thể hiện sự nỗ lực của cả nhà trường và doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kỹ năng, sẵn sàng cho công việc trong tương lai, vẫn sẽ bị sinh viên “kêu trời” nếu không được trả thù lao mà các em cho là phải xứng đáng với những công sức mình bỏ ra.
Những tiếng kêu “về đủ mọi thứ” quanh chủ đề thực tập của sinh viên khiến những người quan tâm chú ý không khỏi chóng mặt và hoang mang: Rốt cuộc sinh viên đòi hỏi kinh nghiệm hay lương, đòi có chỗ nhận mình hay yêu cầu gì khác?
Doanh nghiệp cũng “kêu trời”
Đứng từ góc nhìn của nhà tuyển dụng và sử dụng lao động, các doanh nghiệp cũng kêu ca phàn nàn không ngớt về chủ đề sinh viên thực tập.
Doanh nghiệp muốn nhận những sinh viên thực tập có kĩ năng tốt, cầu tiến, ham học hỏi
Anh T.V.Quân, chủ công ty hoa Netflower, trước là nhân viên của một công ty CNTT lớn chia sẻ rằng rất ngại nhận sinh viên thực tập, và cứ đến kì thực tập là cố gắng trốn các cuộc gọi nhờ vả nhận thực tập. Anh tính sơ sơ rằng doanh nghiệp “tốn” ít nhất 4 thứ khi nhận 1 sinh viên thực tập: cơ sở vật chất bao gồm bàn ghế văn phòng phẩm chỗ ngồi cho nhân viên; công sức hướng dẫn và đào tạo sinh viên thực tập; tính bảo mật cho những thông tin của công ty; và “Độ rủi ro” nếu sinh viên thực tập lỡ làm hỏng việc được giao. “Dĩ nhiên, nếu sinh viên xuất sắc thì tôi sẵn sàng nhận và thậm chí có thể kí hợp đồng để giữ chân luôn. Nhưng nói thật, những bạn xuất sắc này ít lắm.” - anh Quân chia sẻ.
Ngược lại, chị L.T.Tú, Account Manager tại một công ty giải pháp số trên di động thừa nhận chị không bao giờ nhận hồ sơ thực tập của sinh viên. “Bên cạnh một số ưu điểm như các sinh viên thực tập rất cầu tiến và chịu khó học hỏi, nhiều em rất có năng lực, thì tôi gặp không ít sinh viên thực tập mang tính đòi hỏi quá cao. Các em chưa có nhiều kinh nghiệm, khả năng còn hạn chế do cọ xát với mô trường thực tế còn ít, nhưng yêu cầu có lương cao, yêu cầu chế độ đãi ngộ tương đương nhân viên chính thức. Theo tôi được biết, sinh viên tại hầu hết các trường ĐH ở VN đi thực tập đều không có thù lao, vì kinh nghiệm và cơ hội được làm việc mới là mục đích cao nhất của kì thực tập. Chúng tôi cung cấp cơ hội đó, nhưng các bạn có xu hướng đòi hỏi nhiều hơn, nên tôi loại bỏ phương án nhận nhân viên thực tập.”
Từ góc nhìn doanh nghiệp, sinh viên đang tự đánh mất ưu điểm của chính mình và tự thu hẹp cánh cửa cơ hội của bản thân.
Lời giải nào cho bài toán “thực tập”?
Sinh viên sẽ rất “hẫng hụt” nếu bước ra làm việc thực tế mà không có quãng thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Nếu sinh viên được định hướng tốt hơn về mục đích của giai đoạn thực tập, các doanh nghiệp để tâm hơn trong việc dìu dắt các em, coi như đây là một cơ hội cho chính doanh nghiệp mình tìm kiếm các ứng viên phù hợp, cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc đào tạo thế hệ trẻ, có lẽ sẽ không còn nhiều tiếng “kêu cứu” từ chủ đề thực tập của sinh viên, và bức tranh nguồn nhân lực của Việt Nam từ đó cũng sẽ có nhiều biến chuyển tốt đẹp.