Sinh viên thực tập được trả lương 14 triệu đồng

Thay vì than phiền một mùa thực tập tẻ nhạt, không ít sinh viên đang tự tạo cho mình một kỳ thực tập trong mơ: Vừa có lương thực tập lại vừa có một chỗ làm đang đợi sẵn. Sinh viên ngành Hàng hải là một ví dụ như thế.

Mức lương trong mơ cho người thực sự thực tập

Thanh Tùng là sinh viên năm thứ 5 khoa Lái tàu, Trường đại học Hàng hải. Tùng có  khoảng thời gian gần 2 tháng đi thực tập: "Mình xin thực tập trên một tàu chở hàng chuyên tuyến Hải Phòng - TPHCM. Thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng qua tiếp xúc trực tiếp với công việc và được đồng nghiệp hướng dẫn nhiệt tình, mình cũng thu được nhiều bài học thực tế. Mọi công việc giờ như đã nằm trong tầm tay của mình. Sau 2 tháng thực tập mình nhận được thù lao 14 triệu đồng. Điều vui hơn nữa là mình đã có thể hình dung kiến thức mà mình học trong trường sau khi tốt nghiệp sẽ chạy ngon giống một con tàu như ý".

Sinh viên thực tập được trả lương 14 triệu đồng - 1
Thanh Tùng, sinh viên năm thứ 5 khoa Lái tàu, Trường đại học Hàng Hải.

Tàu mà Tùng thực tập có trọng tải 5.400 tấn chuyên chở hàng lương thực. Chủ tàu là người Malaysia. Ban đầu, công việc của Tùng cũng như các thủy thủ trên tàu là tập làm quen với tàu, biết được các khoang, phòng của tàu và các thiết bị chuyên dụng an toàn hàng hải như  nhận biết hệ thống đèn biển, tín hiệu, ra vào luồng lạch, phao cứu sinh…

Tuần thứ 2 trên tàu, Tùng bắt đầu công việc gõ rỉ, sơn các phần trên tàu làm dây, làm ở mũi và lái theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của thủy thủ trưởng. Khi tàu vào trong cảng, Tùng làm công việc trực cầu thang, kiểm soát số lượng người lên xuống cùng với các bộ phận trên tàu. Khi vào luồng lạch hoặc tránh va thì Tùng được hướng dẫn lái theo khẩu lệnh của sĩ quan chỉ huy tàu, hoặc thuyền trưởng chỉ huy.

Kỷ niệm đáng nhớ của hành trình "thực tập" lênh đênh trên biển là khi qua địa phận ngoài khơi Khánh Hòa. Thời tiết đang ổn định thì gặp mưa giông rất lớn, trong khi đó tàu đang cách xa đất liền. Mọi người lo lắng về an toàn tính mạng vừa lo bảo vệ tàu hàng trị giá hàng chục tỷ đồng. May sao, cơn giông gió qua nhanh, tàu lại chạy băng băng vào đất liền. Chính những phong ba, bão táp như vậy sẽ tôi luyện và giúp Tùng trưởng thành. 

Một công việc hấp dẫn đang chờ đợi

Nguyễn Đức Anh, sinh viên chuyên ngành Công nghệ đóng mới  và sửa chữa tàu thủy (Khoa Đóng tàu, ĐH Hàng hải) nói: "Mình theo học chuyên ngành này  vì rất yêu thích lĩnh vực cơ khí. Vì lý do đó mà mình đã chủ động đi làm thêm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường".

Với thành tích học ở mức khá, Đức Anh thường tham gia những cuộc thi chế tạo, phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học của trường. Năm thứ 3, Đức Anh đã đi làm thêm ở những công ty nhỏ (chuyên nhận chế tạo và gia công, sửa chữa làm mới các thiết bị tàu biển như: chân vịt, bánh lái...). Vì vậy, khi Đức Anh đi thực tập mọi việc thật dễ dàng.

Các nội dung rất đơn giản không nằm ngoài kiến thức Đức Anh đã học và thực hành. Sau 2 tháng, Đức Anh cũng  có thu nhập bình quân mỗi tháng được 7 - 8 triệu đồng và được giám đốc hứa sẽ dành cho một vị trí xứng đáng khi đến làm ở công ty. Với số tiền đó, Đức Anh đủ tiền trang trải học hành và nuôi cô em gái đang học năm thứ nhất trường Đại học Dân lập Hải Phòng.

Thầy Đặng Văn Uy, Hiệu trưởng Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết:

"Trước đây nghe đến lương 1-2 ngàn đôla/1 tháng nhiều người giật mình nhưng đối sinh viên Hàng hải sau khi ra trường chuyện đó lại nằm trong tầm tay. Thực tập không chỉ đơn thuần là xin được xác nhận tốt để đủ tiêu chuẩn và điều kiện ra trường "có tấm bằng đẹp", mà còn là khoảng thời gian quyết định việc chọn nghề trong tương lai. Sinh viên làm được việc, thể hiện được khả năng của mình ngay khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường sẽ luôn được đối tác chú ý, tìm đến khi tốt nghiệp".

 
Theo Mạnh Hải
Sinh Viên Việt Nam