Sinh viên sư phạm yếu kỹ năng... sư phạm

(Dân trí) - “Sinh viên sư phạm ngày càng thiếu hụt về kỹ năng đặc thù. Nhiều sinh viên sư phạm không hiểu rằng, họ được đào tạo theo đơn đặt hàng của khối trường phổ thông chứ không phải là nhà nghiên cứu văn học hay ngôn ngữ học...”.

Đó là ý kiến của GS Phan Trọng Luận, Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội tại Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên (SV) các trường ĐH sư phạm tổ chức ngày 28/1 tại Hà Nội. Hội thảo đã thu hút được trên 50 báo cáo khoa học của các nhà quản lý, giảng viên, các nhà nghiên cứu từ nhiều trường ĐH và CĐ sư phạm, viện nghiên cứu trong cả nước.
 
Sinh viên sư phạm yếu kỹ năng... sư phạm - 1
Thí sinh dự thi đại học năm 2009. (Ảnh: Việt Hưng)
 
GS. Phan Trọng Luận cho biết, SV sư phạm ngày càng xa rời mục tiêu đào tạo và tồn tại kiểu tư duy tách biệt. Bởi vì khi nhìn vào kết quả khảo sát mới đây của SV mới tốt nghiệp tại tám trường ĐH cho thấy 100% các em đều có chung nhận xét: chương trình được đào tạo không khớp với chương trình phổ thông hiện nay. Nhiều em còn tâm sự “em rất bỡ ngỡ, lúng túng vì thấy rằng, kiến thức đứng trên bục giảng cũng là kiến thức lần đầu tiên em được biết”.

GS. Luận cũng thừa nhận rằng, ngay chính Khoa Ngữ văn, nơi ông đang công tác, bức tranh giảng viên Ngữ văn ngày càng ảm đạm vừa yếu, vừa thiếu. “Mỗi thày đến lớp cầm búa kiến thức của mình gõ vào đầu SV rồi ra đi mà không cần hiểu rằng, trước và sau đó, SV đã được học cái gì” - GS. Luận cho hay.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng, Hiệu phó Trường ĐHSP TPHCM cho hay, ở trường phổ thông, các thầy đang bị cuốn vào vòng xoay là phải dạy cho hết giờ, ít khi quan tâm uốn nắn hành vi của học trò. Bởi vậy khi đứng trước học sinh cá biệt, đã có giáo viên không kiềm chế được cảm xúc của mình.

Còn GS. Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên (nay là Cục nhà giáo và quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT) thẳng thắn cho biết: “Hội thảo bàn về chất lượng giảng viên sư phạm, một vấn đề luôn “nóng” trong ngành giáo dục thế này mà không hề có một số liệu điều tra, mà chỉ toàn chữ viết, lý luận lùng bùng. Ngành giáo dục cứ như người leo cột mỡ, thay đổi một chút rồi lại tụt”.

Ông Dụ cho rằng: “Nghiệp vụ SV sư phạm không phải là cỗ máy, chỉ chạy theo số vòng nhất định. Nên chăng ngành giáo dục có một chiến lược cải cách sư phạm phù hợp, từng bước. Do vậy, đổi mới đầu tiên phải bắt đầu từ SV các trường sư phạm chứ không phải từ các em học sinh. Nhưng đến bao giờ mỗi giáo viên đều coi việc thay đổi, nâng cao chất lượng giảng dạy là nỗi lo riêng của mình thì mới thay đổi được. Và, câu chuyện đi tìm SV sư phạm phù hợp với phổ thông dường như là bài toán chưa có hồi kết”.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận: “Chất lượng SV sư phạm đang ngày càng xuống cấp, mục tiêu đào tạo xa rời thực tế và thiếu biện pháp rèn luyện kỹ năng. Do vậy thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu các trường sư phạm xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ năng sư phạm cho SV nói chung, kỹ năng dạy học nói riêng. Trong quá trình đào tạo phải tính đến vấn đề nghiệp vụ sư phạm ngay từ đầu và phải được lồng ghép, tích hợp trong suốt quá trình đào tạo”.

Bên cạnh đó, để nâng cao nghiệp vụ sư phạm, các trường cần rà soát lại chương trình đào tạo. Cùng với đó, giảng viên các trường sư phạm cũng phải thay đổi. Đồng thời, tạo điều kiện tiếp cận kinh nghiệm đào tạo giáo viên ở nhiều trường ĐH trên thế giới - Thứ trưởng Hiển cho hay.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm