Sinh viên lười vào... “mùa”

(Dân trí) - “Cả năm không học giờ có học cũng không vào. Mặc đến đâu thì đến”. Đó là triết lý mùa thi chẳng thèm học của sinh viên lười. Nhưng cũng có cô cậu lông bông cả năm, mùa thi lại vắt chân lên cổ.

Với những sinh viên lười, chỉ loạng qoạng đến lớp chứ không thích học, nghe đến thi cử lại càng ngán. Bởi thế mùa thi đối với họ luôn là một cực hình dù có muôn nẻo lối để họ lựa lúc này: Học hoặc không học.

Sinh viên lười đổ bệnh mùa thi

Cầm lịch thi 7 môn dày đặc, Quyết, ĐH K, Hà Nội hoa mắt chóng mặt vì cậu chỉ có hơn một tuần để phải “ngốn” đống kiến thức của nửa kỳ học. Quyết phải vào cuộc tăng tốc cày ngày cày đêm vì ngay đến kỳ này học những môn gì cậu còn không biết.

Cũng dễ hiểu, kiểu học hành của Quyết thì các "tài tử" cũng phải bái cậu làm sư phụ. Năm thì mười họa Quyết mới đến lớp nhưng cũng chỉ lượn qua, chờ điểm danh rồi đủng đỉnh chào bạn bè “mình đi có tý việc”. Có nán lại một, hai tiết thì cậu cũng lủi ở góc lớp… gục đầu xuống bàn ngủ. Cả năm học, Quyết không tốn một quyển vở, một chiếc bút.

Bạn bè đã học trong năm, mùa thi còn mệt huống hồ là Quyết. Riêng khâu mượn vở của bạn về đọc đã đủ hoa mắt chứ chưa nói là học để thi. Quyết ngồi liên tù tì ở bàn học từ ngày đến đêm, mở hai mắt bằng cách pha vài gói cà phê đen một lần. Đến bữa cơm Quyết cũng nhờ người mua hộ để ăn ngay tại bàn học. Bạn bè xóm trọ cũng thương cho Quyết nhưng chẳng giúp được gì. Thi được ba môn, chuẩn bị đến môn thứ tư thì cậu kiệt sức, được bạn bè đưa vào viện truyền đạm. Nhảy “nước rút” không được, Quyết còn phải bỏ luôn các môn thi còn lại.

Nước đến chân mới nhảy, học ngày học đêm là tình cảnh chung của nhiều sinh viên mà trong năm học nhởn nhơ quá nhưng vẫn cố vượt qua cửa ải cuối kỳ. Nhưng kiến thức của cả năm học, nhồi nhét trong một thời gian ngắn không dễ dàng như vậy. Nhiều sinh viên vì cố quá mà đã kiệt sức. Bởi thế vào mùa thi cử, trung tâm y tế của các trường bao giờ cũng tiếp đón nhiều sinh viên hơn.

Hiền, sinh viên khoa Vật lý, ĐH Sư phạm kể ở xóm trọ của mình có bạn học ĐH Công nghiệp vốn rất ngại sách vở nhưng trước kỳ thi đóng cửa “tu” liền mấy ngày. Nhiều người nhắc cẩn thận sức khỏe nhưng cô bạn này nói: “Không học thì chỉ có thi lại, học lại”. Trước ngày đi thi, mọi người thức bạn ấy dậy mới biết bạn đã lịm giường, phải chuyển ngay vào viện.

Hiền bộc bạch: “Phải cày đến mức đổ bệnh đích thị chỉ có những bạn quanh năm không học hành gì, chứ những bạn đến lớp bình thường chẳng đến mức phải thế. Giá như trong năm học hành tử tế chút thì đâu đến nỗi thế. Chẳng biết học được từng nào nhưng khi ốm rồi thì thi lại vẫn hoàn thi lại”.

Sinh viên lười vào... “mùa” - 1
 
Nhiều tệ nạn trong thi cử bắt nguồn từ việc mùa thi mà nhiều SV vẫn thờ ơ với sách vở. (Ảnh minh họa: HN)

Mùa… thả phanh

Những sinh viên lười đến mùa thi bắt đầu “cày” đến đổ bệnh ít nhất còn biết lo lắng. Có những bạn theo đà trong năm đã không học thì mùa thi càng tranh thủ chơi hết sức vì “có học cũng chẳng… kịp”.
 
Với nhiều sinh viên, có rất nhiều thú vui hấp dẫn họ hơn việc đến lớp. Với họ, thời gian luôn thiếu cho các thú chơi đó của mình. Trong năm dù có không muốn học thì "đứt quãng" cuộc chơi vì ít nhiều vẫn phải có mặt ở lớp điểm danh. Thường trước khi bước vào thi, sinh viên luôn có một thời gian nghỉ khá dài và đây được xem là thời điểm “đẹp” để nhiều người… chơi cho thỏa sức, chơi hết mình. Thế nên, ngay giữa mùa thi mà vẫn có những sinh viên chơi game qua đêm, tụ tập bạn bè hay đi du lịch đây đó.

“Vào mùa thi sinh viên chia thành hai nhóm rõ ràng luôn. Một nhóm học và một nhóm chỉ chơi. Như cậu bạn cùng phòng, tới học khác trường được nghỉ học ôn thi là “kết” ngay với quán game. Cậu ta tỉnh bơ, chẳng lo lắng gì, chẳng hiểu thi cử thế nào nữa” - Hoàng, ĐH Bách Khoa nói.

Thời điểm mọi người ôn luyện thì nhóm ba người bạn của Tuấn, ĐH M lại tổ chức chuyến về nhà Tuấn ở Cửa Lò, nhân thể… nghỉ mát luôn. Bạn trong lớp chẳng mấy ai ngạc nhiên vì với họ học hành lâu nay là chuyện không bàn đến. Trước hôm thi một ngày, họ mới kéo nhau ra Hà Nội để mai đi thi.

Tuấn cười: “Những bạn vốn chăm, mùa thi “cày” để kiếm học bổng đấy. Còn như bọn mình, cả năm còn chẳng học nữa huống hồ gì mấy ngày nghỉ ăn thua gì”. Hỏi không học thì thi cả thế nào, Tuấn bất cần: “Không học thì thi lại, học lại, đời sinh viên mà không học lại thì cũng tiếc. Đến đâu thì ắt nó phải đến. Thế mới có chuyện có những anh chị học gần chục năm trời mà không ra được trường”.

Không học nên chấp nhận sẽ phải học lại học lại như Tuấn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên Tuấn vẫn hy vọng: “Biết đâu được vào phòng thi lại xem được bài bạn, hoặc quay ngang quay dọc được lại qua cũng nên”.

Tệ nạn quay cóp trong thi cử cũng từ đây mà ra. Nhưng vẫn chưa hết: “Bạn bè mình đến ngày còn lục đục kéo nhau đi… thăm thầy. Thầy khó thì đành chịu nhưng cũng có lúc… gặp may”, Tuấn nói đầy ẩn ý.

Hoài Nam