Sinh viên “học thuê” kiếm tiền

(Dân trí) - Tan học, Nguyễn Thị Nga (ĐH Mở Hà Nội) lại hớt hải lên xe bus đến lớp học tại chức bên trường ĐH Lao động - Xã hội. Cô đang tranh thủ đi học thuê kiếm khoản thu nhập. Nga học hộ một bà chị đang đi công tác nước ngoài, với giá 30.000 đồng/buổi.

Vừa nhàn hạ vừa có tiền

Công việc học thuê cũng khá nhàn, chỉ cần đến ghi tên điểm danh, nhưng phải ngồi trong lớp đến hết giờ. Tranh thủ những lúc này, Nga mang sách vở của mình đến lớp vừa nghiên cứu vừa giết thời gian.

Cả lớp gần 80 sinh viên, thầy cô không quản lý hết được. Nhà trường cũng không kiểm tra thẻ sinh viên, Nga chưa bao giờ phải lo lắng đến chuyện bị phát hiện. Thi cử, Nga được trả 120.000 đồng/môn, cộng với tiền công chuẩn bị bài.

Quang Huy cũng đang đi học cho ông anh họ của mình. Công việc bận rộn, cơ quan lại yêu cầu có bằng đại học thứ hai, ông anh liền nhờ Huy đến lớp điểm danh hàng ngày với giá 35.000đ/buổi.

“Tối nào mình cũng chạy qua trường xem tình hình có gì không báo cho ông anh, rồi điểm danh. Chấm công lấy tiền, cái nghề này cũng nhàn mà không phải mất công sức. Cuối kì thi, mình được thêm khoản bồi dưỡng tiền làm phao. Nếu không bị phát hiện thì nghề này khá ổn”, Huy cho biết.

Trong lớp tại chức, có rất nhiều sinh viên đi học thuê như Nga. Hầu hết là sinh viên năm thứ hai các trường Kinh tế, Thủy lợi… Tuy nhiên, để kiếm được một suất học thuê cũng không phải dễ, đa số là qua người thân quen giới thiệu. Có nhiều sinh viên không bao giờ có mặt trên lớp, chỉ xuất hiện vào cuối mỗi kì thi.

Buồn vui cảnh học thuê, thi mướn

Nga tâm sự: “Học ở đây tuy nhàn, nhưng mình cũng lo, nhỡ nhà trường phát hiện ra thì chết cả hai. Lúc đó, mình không những bị cảnh cáo mà nhà trường có thể đuổi học. Nhưng tìm việc ở ngoài thì khó nên cũng đành chấp nhận”.

Còn Phạm Quyết Thắng (ĐH Bách khoa) đang học hộ cho anh bạn người quen bên trường Kinh tế lại phàn nàn: “Học hộ mệt lắm, không phải ngành của mình, cứ như vịt nghe sấm. Đến lớp, mình toàn lăn ra ngủ, hết giờ rồi về. Biết ngày mai thi ở trường, nhưng đã nhận đi học thuê đành phải chấp nhận”.

Tuy nhiên, với Phương Trang, đang học hộ ở trường M, thì: “Đi học thuê cũng có nhiều cái hay. Mình đi học bên đó, thu được nhiều kiến thức mới về kinh tế, thương mại. Những thứ rất phù hợp với ngành của mình. Sướng hơn nữa là được học mà không mất tiền”.

Nói tới học hộ, Ngọc Duy (ĐH Thăng Long) vẫn còn sợ. “Mình đi học thuê lớp văn bằng hai bên trường ĐH N.T. Trường có quy định sinh viên học tối phải có thẻ sinh viên mới được vào trường. Đúng hôm đang học, thầy kiểm tra thẻ, mình sợ quá, may lớp đông mình chuồn được ra cửa”.

“Nghề” nhiều rủi ro

 

Theo quy chế của Bộ GD-ĐT, sinh viên bị phát hiện học hộ, thi hộ có thể bị cảnh cáo, cao nhất là đuổi học. Mỗi sinh viên cần có bản lĩnh, đừng vì những khoản thu trước mắt mà vô tình tiếp tay cho những sai trái, ảnh hưởng đến việc học của chính mình.

Hiện, học thuê đang rất phổ biến, nhất là ở các trường đại học dân lập, tại chức, từ xa. Trên một số trang web, diễn đàn, nhiều công chức có nhu cầu thuê người học hộ đăng tin công khai. Có rất nhiều lý do nhờ người học hộ: người vì hoàn cảnh gia đình, người đi công tác, người sinh nở…

 

Giá mỗi buổi học dao động từ 30.000 - 50.000đ. Còn thi cử đòi hỏi đầu óc, giá thường cao gấp hai ba lần. Để kiếm một cái bằng thật, nhiều công chức đã bỏ ra không ít số tiền để thuê người học hộ.

V.K, học viên lớp Quản trị kinh doanh đại học mở tại Đà Nẵng phân bua: “Có công việc nhưng phải có bằng cấp mới chắc. Mà kinh nghiệm là càng nhiều bằng càng chắc. Mình làm ở công ty kinh doanh, công việc bận rộn cả ngày, chẳng còn sức “mài đũng quần” mỗi tối ở lớp học, lại cũng cần thời gian quan hệ, giao lưu cho công việc nên phải tìm người học hộ. Mỗi tháng bỏ ra 500 - 600 ngàn mà được khối thời gian làm việc khác”.

V.K còn mách nhỏ: “Ngon nhất là kiếm được mấy em sinh viên học cùng chuyên ngành, biết bài biết vở, không lo người học thuê chép sai kiến thức trên lớp trong tập của mình mà nhỡ có kiểm tra đột xuất cũng an tâm là có điểm trung bình trở lên. Mình thiếu thời gian, người ta thiếu tiền. Giúp qua giúp lại, đôi bên cùng có lợi, chẳng hại gì đến ai thì cứ chứ ngại gì”.

Để quản lý chặt chẽ sinh viên học ca tối, nhiều trường đại học có quy định sinh viên phải đeo thẻ ra vào. Bên cạnh đó nhà trường thường có quy chế điểm danh gắt gao ngẫu nhiên mỗi buổi học. Tuy nhiên, lớp đông nhốn nháo, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Bộ GD-ĐT đang vận động “nói không với tiêu cực”, cùng với nạn mua bằng giả, học thuê đang là một vấn đề đáng báo động cần phải được ngăn chặn kịp thời.

Duy Khánh - Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm