Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân

(Dân trí) - Valentine (ngày lễ tình nhân) không chỉ là ngày để những người yêu nhau bày tỏ tình cảm mà còn là ngày "hái ra tiền" của nhiều sinh viên nhờ kinh doanh quà tặng, hoa hồng và socola.

“1 vốn 4 lời”

Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng ngày 12, 13, 14/2 là nhiều SV các trường đại học quanh Hà Nội lại tất bật chuẩn bị đi mua buôn các mặt hàng lưu niệm, hoa hồng, socola và gấu bông để tranh thủ bán dạo “kiếm thêm” tiền trong dịp lễ Valentine.

Bạn Nguyễn Thanh Mai, sinh viên ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) cho biết “đây là năm thứ 3 liên tiếp em cùng các bạn góp vốn kinh doanh mặt hàng lưu niệm trong lễ tình nhân. Thường thì chúng em sẽ bán socola trái tim, thiệp mừng, gấu bông, móc khóa và hoa hồng sáp thơm...

Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân - 1
Một nhóm sẽ chia ra bán ở khoảng 5 điểm lẻ quanh trường và 4 bạn sẽ phụ trách nhập hàng, giao hàng và ship hàng cho khách tại các điểm bán.

Khi hỏi về cách nhập hàng để bán, Mai thường tự mình đi nhập hàng ở chợ Đồng Xuân và một số kho bán gấu bông, đồ lưu niệm lớn quanh Hà Nội. Giá mua buôn từ 10.000 đồng/ thanh socola; 20.000 đồng/ hộp 16 viên nhỏ; hoa hồng sáp thơm giá khoảng 2.000 đồng/ bông; các loại gối ôm và gấu sẽ dao động từ 30.000 – 60.000 đồng.

Sau khi mua hàng về cả nhóm sẽ ngồi lại cùng buộc nơ, mua giấy gói quà và trang trí thêm cho bắt mắt, thu hút được người mua hàng. Được biết giá bán ra sẽ tăng cao hơn giá mua buôn khoảng 4 – 5 lần. Mặc dù với giá cao như vậy nhưng hầu như ai cũng đều rất vui vẻ và mạnh tay chi tiền để tặng quà cho người mình yêu.

“Từng có lần, một anh thanh niên mua tới 99 bông hồng sáp, bó thành một bó cực to để tặng người yêu với giá gần 1.000.000 đồng như vậy là chúng em lãi to rồi…” Mai cười tươi.

Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân - 2
Dạo một vòng quanh khu vực cổng các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Mở Hà Nội… đếm sơ qua cũng có tới gần 20 điểm bày bán các loại quà tặng “made in sinh viên”.

Dừng xe tại một điểm bán hàng dong, giá của một thanh socola đính kèm chiếc nơ hồng xinh xắn và tấm thiệp nhỏ in hình trái tim là 60.000 đồng. Bạn Phương Linh, sinh viên trường Đại học Hà Nội rất khéo léo mời khách “giá vậy cũng chỉ bằng cốc trà sữa, anh mua tặng người yêu cũng đâu có đáng là bao. Em mà được người yêu tặng quà thế này em cười típ mắt; nếu chị ấy không thích thì em sẽ hoàn tiền…”.

Đắt hàng không kém, những điểm bán hoa tươi cũng tấp nập người mua đông như chợ Tết, cụ thể như giá bán lẻ mỗi bông hoa hồng khoảng 15.000- 20.000 đồng và 150.000 – 500.000 đồng/bó, lãng tùy kiểu và số lượng hoa.

Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân - 3
Bạn Hoàng Quân vừa cắm hoa vừa nói, vừa kết thúc học kì 1, bài vở chưa nhiều, nên em tranh thủ phụ mẹ dọn hàng ra ven đường bán thêm hoa cắm lãng. Trong 3 ngày cận dịp lễ tình nhân ước tính phải cắm đến cả vài trăm lãng hoa lớn bé khác nhau, thu về vài chục triệu đồng là chuyện dễ dàng.

“Đồng tiền xương máu”

Qua vài con số, dễ dàng để thấy “lời lãi” từ việc kinh doanh của sinh viên ra sao, được thu về tiền triệu mỗi ngày chỉ trong vòng mấy dịp Valentine, nhiều sinh viên bỗng chốc trở nên rủng rỉnh túi. Thế nên ngày càng có nhiều sinh viên tranh thủ gác lại việc học tập để lao vào kiếm tiền trong những ngày này.

Theo lý giải của đa số sinh viên thì đây là cơ hội “tiện cả đôi đường” vì vừa được cọ sát, thử năng lực, trau dồi kinh nghiệm kinh doanh… vừa có thêm thu nhập để trang trải. Tuy nhiên, sự thiệt hại hay rủi ro khi kinh doanh dịp này cũng không phải là ít.

Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân - 4
Bạn Lê Nga, trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ, muốn bán được hoa thì phải chọn địa điểm thuận lợi như: công viên, cổng trường, vỉa hè… Tuy có đông người qua lại, dễ bán hàng nhưng khi đã bị lực lượng công an khu vực kiểm tra mà không “chạy kịp” thì toàn bộ số hàng coi như mất trắng. Năm kia em và tụi bạn đã bị ‘hốt’ nguyên cả lô hàng trị giá cả triệu đồng về phường”.

Chưa kể, cũng vì mải mê buôn bán, kiếm tiền nên không ít sinh viên cũng bỏ bê bài vở, để đến khi nhìn lại thì thấy bài tập chất đồng, người uể oải… “Thương trường như chiến trường”, nhiều sinh viên khi đặt chân vào mảnh đất kinh doanh đều phải sẵn sàng ứng phó với những tình huống ngoài kịch bản.

Bạn Hồng (Học viện Ngân Hàng) vừa gói quà, vừa nói “lúc chưa bắt đầu, mình vẽ ra viễn cảnh cũng khả quan lắm, nhưng khi bắt tay vào việc thì bung bét cả, đụng chỗ nào cũng thiếu, cũng sai. Chưa kể một ngày gói cả trăm hộp quà, khách hàng giục cuống cà kê lên là bị chảy máu do dao, kéo chọc vào tay là chuyện thường nhật.

Nhiều khi bọc quà mà không cẩn thận làm rách giấy, cắt thiếu giấy coi như hết lãi, thế nên những ngày cao điểm này cứ xác định xin nghỉ học cả ngày để tập trung “hốt bạc” bù lại cả năm buôn bán.

Nửa đùa nửa thật, bạn Ngọc Diễm đứng bán hàng lưu niệm kể chuyện phải cãi nhau người yêu chỉ vì dịp lễ tết nào cũng cắm đầu vào buôn bán. Vì quá say mê kinh doanh nên cứ đến ngày lễ là bỏ bê người yêu, lao theo hàng hóa để bán, nhiều khi còn quên cả ăn uống cũng chỉ vì đồng tiền. Vài dịp như vậy thế là bị người yêu cho ế dài dài luôn tới tận bây giờ…”

Sinh viên “hái ra tiền” nhờ bán socola và hoa hồng ngày lễ tình nhân - 5
Quả thực cũng lắm điều gian nan, để kiếm được đồng tiền chân chính, các bạn sinh viên phải “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhọc nhằn bươn trải giữa thành phố hàng triệu dân đông đúc này. Chỉ mong sao giúp được cho gia đình, cho chính bản thân các em có thêm đồng tiền trang trải học tập.

Hà Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm