Bình Định:
Sinh viên ĐH Quy Nhơn mong muốn xóa bỏ những bất cập trong giáo dục
(Dân trí) - Nhiều sinh viên bỏ phiếu tín nhiệm bầu đại biểu Quốc hội Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT với kỳ vọng ngài bộ trưởng Giáo dục sẽ có chiến lược đổi mới giáo dục, xóa những bất cập, đặc biệt là trong thi cử đại học.
Sáng 22/5, cùng hơn 1,1 triệu cử tri toàn tỉnh Bình Định, hơn 14.000 sinh viên 2 trường ĐH Quy Nhơn và Cao đẳng nghề Bình Định nô nức bỏ phiếu bầu ra người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Ghi nhận của PV Dân trí tại các khu vực bầu cử thuộc Trường ĐH Quy Nhơn, dù 7 giờ mới chính thức tiến hành bỏ phiếu nhưng chưa đến 6 giờ sáng 22/5, rất đông các bạn sinh viên đến khu vực bầu cử. Đây là lần đầu tiên các bạn sinh viên được cầm lá phiếu bầu cử trên tay để bầu ra những đại biểu tiêu biểu về đức, tài nên bạn nào cũng tỏ vẻ hào hứng và có một chút hồi hộp.
Lần đầu tiên Cao Thị Phương Trinh, sinh viên lớp Mầm non K37, Trường ĐH Quy Nhơn, hào hứng chia sẻ: “Em rất mừng vì đây lần đầu tiên được cầm lá phiếu bầu ra người mình yêu quý. Đây cũng là quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân nên em đến trường từ rất sớm để đọc kỷ thông tin tiêu sử của các đại biểu. Em tâm đắc với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Em hy vọng các thành viên được bầu cử lần này, sẽ có trách nhiệm hơn để không phụ lòng tín nhiệm của chúng em”.
Tại khu vực bầu cử số 10 (Trường ĐH Quy Nhơn), lần đầu tiên được cầm lá phiếu trên tay đi bầu cử, sinh viên Trần Thế Lực (lớp Tâm lý giáo dục K37, trường ĐH Quy Nhơn), chia sẻ: “Hiện tại em rất hồi hộp và cảm thấy rất là may mắn vì lần đầu tiên chính tay mình cầm lá phiếu để chọn ra những con người tốt nhất tham gia bộ máy chính quyền hiện tại. Trước khi bầu chọn đại biểu, bản thân em tham khảo đọc rất kỷ tiểu sử của các đại biểu cũng như những gì mà họ đã làm được trong thời gian mà họ đảm nhận các chức vụ khác nhau. Em mong muốn trong thời gian tới, các đại biểu này sẽ tiếp tục phát huy năng lực cũng như tìm ra những giải pháp mới giúp cho phát triển nền kinh tế - xã hội nước nhà”.
Lực chia sẻ thêm: “Trong tình hình đất nước còn khá nhiều bất cập, đặc biệt là trong giáo dục. Bởi thế, giáo dục cần đi liền với thực tiễn, tạo công ăn việc làm cho sinh viên khi ra trường. Giúp cho hệ thống giáo dục ngày càng tốt hơn, đặc biệt là trong vấn đề thi cử ngày nay vẫn còn những bất cập, nhất là trong các kỳ thi đại học”.
Còn sinh viên Hoàng Thị Hoài (hiện đang học năm 3, khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, trường ĐH Quy Nhơn), cho rằng: “Hiện nay, sinh viên lo lắng nhất sau khi ra trường là thất nghiệp. Bởi vậy, em hy vọng nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Bộ giáo dục sẽ có chiến lược, biện pháp nào đó để sinh viên chúng em yên tâm học tập, công tác tốt hơn”.
Doãn Công