Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình:
“Sinh viên chính là người giàu nhất”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương với vai trò diễn giả đã chia sẻ với sinh viên tại lễ khai khóa năm 2018 của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG TPHCM) diễn ra sáng nay (10/10).
Sau khi có bài diễn thuyết về chủ đề “Sứ mệnh và vai trò của đại học đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, ông Nguyễn Văn Bình đã dành ít thời gian truyền thông điệp của mình đến các sinh viên.
Sau gần 40 năm rời ghế nhà trường, diễn giả Nguyễn Văn Bình nhắn nhủ với sinh viên rằng, đây chính là quãng đời đẹp nhất và ý nghĩa nhất trong cuộc đời của mỗi người. Ông Bình bắt đầu kể câu chuyện của mình khi mới tốt nghiệp ĐH và vinh dự được tham gia đoàn công tác đi Nhật Bản ở tuổi 25. Trong đợt đi này, ông Bình là thành viên duy nhất trong đoàn nhận được lời mời đi ăn của một chủ tịch tập đoàn Nhật Bản.
“Ông chủ tịch tập đoàn tiếp tôi trong một nhà hàng cổ, cả nhà hàng chỉ có hai người. Nhìn thấy sự hồi hộp của tôi, ông chủ tịch tập đoàn cho biết lý do mời tôi vì nhìn tôi ông nhớ lại 60 năm trước của mình”, ông Bình kể lại.
Ông Bình kể tiếp những lời ông chủ tập đoàn đã từng nói với mình: “Đến nay sau 60 năm, ở Nhật Bản người ta nói tôi là một trong những người giàu nhất nước. Ngày xưa khi 20 tuổi như anh, tôi chỉ muốn có một chiếc xe hơi để đi nhưng đó chỉ là ước mơ. Giờ đây tôi có đủ các loại xe sang và trưng bày khắp nơi nhưng tôi lại không đi được. Có nghĩa ngày nay người ta nói tôi rất giàu nhưng cá nhân tôi lại cảm thấy tôi rất nghèo. Còn 60 năm trước khi không có gì tôi lại thấy tôi rất giàu và cảm nhận cả thế giới trong tay tôi. Nay tôi thấy mình rất nghèo, rất nhỏ bé trong thế giới rộng lớn này. Thông điệp của tôi là tương lai của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung nằm trong tay của anh”.
Ông Bình cho biết muốn kể câu chuyện này để giúp sinh viên định hướng rõ hơn sứ mệnh của mình với TPHCM nói riêng và đất nước nói chung. “Các bạn sinh viên giờ đây là những người giàu có nhất, vĩ đại nhất. Các bạn có thể mơ đến những vấn đề cực kỳ to lớn, thậm chí có thể mơ cả thế giới có thể nằm trong tay mình”, ông Bình truyền thông điệp. So sánh với bản thân, ông Bình tiếp tục: “Còn như chúng tôi bây giờ cũng có giấc mơ nhưng nó sẽ nhỏ nhoi hơn, cụ thể hơn rất nhiều. Tôi mong các bạn sinh viên hãy có niềm đam mê, có những giấc mơ, hoài bão to lớn để rồi nỗ lực phấn đấu, biến ước mơ thành sự thật”.
Trường ĐH chuyển sang dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần
Trước đó, trong bài diễn thuyết, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định giáo dục trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là Giáo dục 4.0. Đây là nền giáo dục được thiết lập để đáp ứng nhu cầu thị trường cho nền công nghiệp 4.0. Theo đó, Giáo dục 4.0 được hiểu là một hệ sinh thái mà ở đó mọi người có thể cùng dạy học ở mọi nơi, mọi lúc với các thiết bị kết nối để tạo ra việc học tập được cá thể hóa, kích thích sự khai phá đổi mới sáng tạo.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tác động toàn diện đến giáo dục đại học. Cuộc cách mạng công nghiệp này giúp cơ sở giáo dục-đào tạo, đặc biệt là các trường đại học thay đổi theo hướng tích cực, chuyển từ chỗ “dạy những gì mà giới học thuật sẵn có” sang “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp cần”, hoặc thậm chí xa hơn là “dạy những gì mà thị trường và doanh nghiệp sẽ cần”.
Bên cạnh đó, ông Bình, để chuẩn bị cho sinh viên bước vào thế giới toàn cầu hóa và thay đổi nhanh chóng, sinh viên cần phải được trang bị về ngoại ngữ và kĩ năng công nghệ thông tin như những công cụ không thể thiếu, cả trong học tập và khi bước vào thị trường lao động. Ngoài sách giáo khoa, giáo trình, sinh viên còn cần được dạy các chủ đề phức tạp dựa trên các vấn đề thực tế, phải được dạy cách sử dụng nhiều nguồn thông tin và dữ liệu, phải được khuyến khích đọc nhiều hơn, tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin hơn để thu nhận nhiều hơn các tri thức mới.
Một trong những điều Trưởng ban Kinh tế Trung ương gửi gắm đến ĐHQG TPHCM thực hiện quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập mà Chính phủ đã ban hành, trong đó tự chủ đối với các trường đại học là điều kiện cần thiết để thực hiện các phương thức quản trị đại học tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo. Ông cho rằng việc “tự chủ đại học” của một số trường thành viên ĐHQG TPHCM đang triển khai sắp tới, các trường thành viên và ĐHQG TP.HCM cần sớm quan tâm đến việc việc xây dựng cơ chế tự chủ hướng đến đổi mới mô hình quản lý, đổi mới quản trị theo mô hình các trường đại học tiên tiến của khu vực và trên thế giới.
Ông Bình cũng lưu ý ĐHQG TPHCM cần tiếp tục bám sát định hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ của đất nước và nhu cầu của xã hội, đặt hàng của các địa phương, nhất là trong những lĩnh vực công nghệ trọng điểm, mang tính liên ngành, đóng vai trò then chốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường liên kết, hợp tác với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và quốc tế để hiện thực hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Lê Phương