Sinh viên bắt đầu học theo hệ thống tín chỉ

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long vừa ban hành Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ. Từ năm học 2007-2008, các trường tổ chức đào tạo theo khoá học, năm học và học kỳ.

Theo Quy chế, phần lớn học phần của sinh viên có khối lượng từ 2 đến 4 tín chỉ, nội dung được bố trí giảng dạy trọn vẹn và phân bố đều trong một học kỳ. Theo đó, có 2 loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Tín chỉ được sử dụng để tính khối lượng học tập của sinh viên.  

 

Một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án khoá luận tốt nghiệp. Hiệu trưởng các trường sẽ quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần.

 

Kết quả học tập của sinh viên được đánh giá theo số tín chỉ của các học phần mà sinh viên đăng ký vào đầu mỗi kỳ học. Điểm trung bình chung học kỳ là điểm trung bình có trọng lượng số của các học phần mà sinh viên đăng ký học trong học kỳ đó với trọng số là số tín chỉ tương ứng của từng học phần.

 

Thời gian đào tạo: Đào tạo trình độ ĐH được thực hiện từ 4 đến 6 năm tuỳ theo ngành nghề đào tạo đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc bằng trung cấp; từ 2 năm rưỡi đến 4 năm đối với người có bằng tốt nghiệp trung cấp cùng ngành đào tạo; từ 1 năm rưỡi đến 2 năm đối với người có bằng tốt nghiệp CĐ cùng ngành đào tạo.

 

Một năm có 2 học kỳ chính, mỗi học kỳ có ít nhất 15 tuần thực học và 3 tuần thi. Ngoài 2 học kỳ chính, hiệu trưởng xem xét quyết định tổ chức thêm một kỳ học phụ để sinh viên có điều kiện được học lại; học bù hoặc học vượt. Mỗi học kỳ phụ có ít nhất 5 tuần thực học và 1 tuần thi.

 

Sau mỗi học kỳ, sinh viên buộc thôi học nếu cứ điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học; đạt dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo hoặc đạt dưới 1,10 đối với 2 học kỳ liên tiếp.  

 Hồng Hạnh