Sinh viên bán gạo, bán diêm... kiếm tiền tiêu Tết

(Dân trí) - “Bán gạo cũng là việc làm thêm chân chính thì sá gì nam nữ. Em nghĩ đi làm để tích lũy thêm kinh nghiệm, biết đâu sau này có thể giúp em phát triển tốt về kinh doanh, tiếp thị... cũng rất tốt” - tâm sự của một nam sinh học ngành Thú y đi làm thêm dịp Tết.

Nữ sinh bán bật lửa, bán diêm...

Mặc dù vẫn còn dư âm của đợt rét đậm, rét hại nhưng tại Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội) vào sáng 29/1, nhiều gian hàng đã mở cửa khá sớm.

Tại gian hàng bán diêm và bật lửa, hai sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH Môi trường là Hồng Ngân (quê Hà Nội) và Thanh Mai (quê Hà Nam) vừa xoa tay hít hà cái rét ngọt mùa đông, vừa tất bật giới thiệu sản phẩm cho khách như một nhân viên bán hàng chuyên nghiệp.

Hai em cho biết, tại khu hội chợ này, có rất nhiều sinh viên bán hàng thời vụ để kiếm tiền tiêu Tết. Bản thân hai em vừa tốt nghiệp được mấy tháng nhưng chưa có việc làm ổn định. Nhờ một người quen giới thiệu, hai em nhận bán hàng thời vụ cận tết cho công ty này với mức thù lao 300.000đ/12 tiếng mỗi ngày. Tổng cộng cả đợt bán hàng mùa vụ 10 ngày tại hội chợ, mỗi em có 3 triệu đồng giắt lưng - bằng số tiền của cả tháng làm thêm trong ngày thường.

Tuy nhiên, theo Ngân và Mai, tiền công cả đợt được 3 triệu nhưng chi phí ăn uống buổi trưa trong 10 ngày, mỗi người mất cả 1 triệu đồng nên chỉ còn đôi triệu dành để tiêu Tết.

Ngân và Mai đang giới thiệu về diêm và bật lửa cho khách
Ngân và Mai đang giới thiệu về diêm và bật lửa cho khách

 

“Giờ chưa nhận lương mà em của em đã “đặt hàng” món quà cuối năm. Em dự tính mua cho mình bộ quần áo tươm tươm diện tết, vừa mua ít đồ ăn và món quà cho em nhỏ”, Ngân kể.

Còn với Mai, em cho biết, hiện mình đang thuê nhà ở đường Láng với số tiền 1,6 triệu đồng/tháng nên số tiền làm thêm chủ yếu để trang trải chi tiêu. Sơn - em trai của Mai cũng đang là sinh viên Học viện Ngoại giao. Trước đây, cậu cũng vừa học, vừa viết bài cộng tác cho các báo để kiếm thêm hàng tháng.

Nam sinh viên đi bán gạo thời vụ

Tại gian hàng giới thiệu gạo tẻ, gạo nếp của một công ty đến từ miền Nam, nam sinh Lê Công Hiếu (sinh viên năm 4, Khoa Thú y - Trường ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội) vừa đưa sản phẩm thử cho khách, vừa liến thoắng giới thiệu về công ty.

Hiếu cho biết, mình quê Bắc Giang, bố mẹ đều làm nghề nông. Từ năm thứ 3 trở đi, Hiếu đã bắt đầu làm thêm. Theo tìm hiểu, Hiếu từng được lên báo nhiều lần và được mệnh danh là “ông trùm” của dịch vụ bê tráp, cưới hỏi trọn gói gồm toàn sinh viên.

“Từ năm thứ 3 đại học, em lập ra nhóm “Dịch vụ bê tráp cưới hỏi trọn gói” gồm toàn sinh viên. Công việc khá ổn và “đắt show” hàng tháng vì ngoài bê tráp, chúng em còn kiêm cả bê cỗ và bồi bàn. Tuy nhiên, bán hàng thời vụ dịp tết, thời gian ngắn mà kiếm được kha khá nên nhờ tìm hiểu và qua giới thiệu, em đi... bán gạo tại hội chợ”, Hiếu vui vẻ cho biết.

“Là nam sinh học ngành Thú y, lại phải đi tiếp thị bán gạo có khiến em ngại”? chúng tôi hỏi. Hiếu vui vẻ lắc đầu: “Hai năm qua, em đã trải qua rất nhiều công việc nên quen. Vả lại, bán gạo cũng là việc làm thêm chân chính thì sá gì nam nữ. Em nghĩ đi làm để tích lũy thêm kinh nghiệm, biết đâu sau này có thể giúp em phát triển tốt về kinh doanh, tiếp thị... cũng rất tốt”.

Hiếu cho biết, tại gian hàng này có 4 sinh viên đang làm thêm như em. Trong đó có 3 nam và chỉ một nữ. Cũng như Hiếu, các bạn sẽ làm việc đến ngày 28 Tết mới được nghỉ để về quê.


Nam sinh viên Lê Công Hiếu đang tiếp thị gạo tại hội chợ.

Nam sinh viên Lê Công Hiếu đang tiếp thị gạo tại hội chợ.

 

Sự cố "khóc dở mếu dở"

Lê Công Hiếu cho biết, để có kiến thức và kĩ năng bán hàng, trước ngày mở hội chợ, các em gặp Quản lý và được nghe về công việc cũng như các kĩ năng bán hàng. Do đây là chỗ quen biết giới thiệu và qua kênh tìm hiểu uy tín nên em thấy khá yên tâm và thoải mái.

Cùng chia sẻ về những rủi ro mà nhiều sinh viên gặp phải khi kiếm việc làm thêm, Ngân cho biết, em đã từng trải qua nhiều sự cố khóc dở mếu dở khi tự kiếm việc làm ở một công ty. Mặc dù lương tháng có 2,5 triệu đồng nhưng hai tháng nay, em đang bị công ty này nợ lương nên phải xin tiền bố mẹ đổ xăng.

“Thậm chí trước đó, để có một công việc, em cầm tấm bằng tốt nghiệp ĐH trong tay nhưng phải đi bán hàng cho một hãng thời trang. Làm ở đó, một tháng được nghỉ có 2 ngày mà lương được hơn 2 triệu đồng một chút. Tuy nhiên, chỉ cần em đi muộn một phút hoặc vi phạm gì, Quản lý có thể bắt em cọ nhà vệ sinh cả tháng. Mất đồ thì đương nhiên lo chi đồng lương cỏn con ra mà đền, ác mộng lắm ạ”, Ngân buồn rầu kể lại.

Chia sẻ với chúng tôi về nhu cầu đăng kí việc làm thêm cuối năm của sinh viên qua trung tâm, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc TT Việc làm Thanh niên Hà Nội cho biết, vào thời điểm này mọi năm, số sinh viên đăng kí tìm việc qua trung tâm khá lớn để làm thêm dịp cận Tết. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà năm nay số lượng này ít hơn.

Nói về việc sinh viên dễ gặp rủi ro khi kiếm việc làm thêm, trước đó, bà Trinh khuyến cáo các em nên tìm việc ở những trung tâm uy tín, vừa không mất tiền môi giới và chủ doanh nghiệp cũng được xác minh cụ thể, tránh bị lừa đảo.

M. Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)