Siết chặt quản lý học sinh đi xe máy: Nhà trường bất lực

Dù quy định siết chặt quản lý học sinh đi xe máy được thực hiện từ tháng 4, nhưng cảnh những chiếc xe “kẹp” ba, “kẹp” bốn, lạng lách, đánh võng của những “tổ lái” đeo phù hiệu học sinh vẫn thấy ở khắp nơi tại Hà Nội.

Bãi xe ngoài trường tấp nập

 

Hơn 10 giờ sáng 17/5, hầu hết các ngõ ngách quanh khu vực trường THPT bán công Đống Đa đều xếp kín xe máy. Chủ một bãi xe khẳng định: Hầu hết xe máy gửi ở đây là của học sinh (HS) trường THPT bán công Đống Đa.

 

Chưa đầy 15 phút đã có khoảng 20 HS mặc đồng phục có phù hiệu THPT bán công Đống Đa ra lấy xe. Điều ngạc nhiên là việc gửi xe và lấy xe của HS diễn ra một cách thoải mái ngay hai bên đường dẫn vào trường.

 

Anh Phan Trung Dũng, người làm nghề xe ôm tại khu vực cổng trường cho biết, từ khi có lệnh cấm, số lượng xe có giảm nhưng tình trạng “kẹp” ba, “kẹp” bốn lại gia tăng.

 

Tại rất nhiều trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, tình trạng này cũng diễn ra tương tự. Từ khi thực hiện chỉ thị của thành phố, học sinh không gửi xe trong trường, mà đem gửi tại các bãi xe quanh trường.

 

Tại bãi xe gần ngã tư Giang Văn Minh - Kim Mã, hàng loạt học sinh mặc đồng phục có phù hiệu THPT Nguyễn Trãi vào lấy xe. Nhiều em còn ngang nhiên lái xe “kẹp” 3 từ trong bãi ra, trước sự chứng kiến của cảnh sát giao thông.

 

11 giờ, tại khu vực chợ Cầu Giấy (gần trường THPT Yên Hòa và trường THPT Lương Thế Vinh) đoàn xe máy chở 3 học sinh đeo phù hiệu phóng ra đường lớn. Một học sinh tiết lộ: “Em đăng ký với nhà trường là đi xe buýt, nhưng đi xe máy gửi ở ngoài rồi đi bộ vào trường thì ai mà kiểm tra được”.

 

Nhà trường bất lực

 

Ông Nguyễn Trọng Chinh - Trưởng ban quản lý học sinh Trường THPT Đống Đa cho biết theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, trường đã thực hiện lệnh cấm đi xe máy tới trường, trừ những em có bằng lái. Trong tháng 3, nhà trường đã yêu cầu toàn bộ học sinh trong  trường ký cam kết có xác nhận của phụ huynh học sinh.

 

“Đến nay, chúng tôi chưa phát hiện học sinh nào vi phạm. Còn việc các em đi xe máy, nhưng gửi ở bên ngoài thì nhà trường không thể kiểm soát. Chúng tôi đã có văn bản gửi Công an phường, nhưng chưa có hồi âm gì” - Ông Chinh than.

 

Bà Nghiêm Hồng Hoàng- Hiệu phó trường THPT bán công Phan Huy Chú cho biết: Trường đã tiến hành rà soát những học sinh đi xe máy, gửi văn bản thông báo đến từng gia đình phụ huynh học sinh này. Học sinh nào cố tình vi phạm nhà trường sẽ đình chỉ học 3 ngày và mời phụ huynh đến giao lại con và hạ xuống hạnh kiểm yếu.

 

“Đến nay, việc thực hiện gần như đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số em đi chui và gửi ở bên ngoài thì nhà trường không thể kiểm soát” - Bà Hoàng nói.

 

Theo bà Hoàng, việc cấm học sinh tham gia giao thông bằng xe máy không thể chỉ trông vào ngành giáo dục. “Ngành công an phải vào cuộc quyết liệt hơn. Cảnh sát giao thông ở trên đường khi phát hiện thấy em học sinh nào đi xe máy phải xử lý ngay, sau đó gửi công văn cho nhà trường” - Bà Hoàng đề xuất.

 

Ngoài ra, hầu hết đại diện các trường THPT ở Hà Nội cho rằng những nỗ lực ngăn chặn việc học sinh đi xe máy cũng đang gặp không ít khó khăn từ phía nhiều gia đình. Vì thương con nên phụ huynh đã làm ngơ cho con vi phạm chủ trương của thành phố.

 

Bà Hoàng khẳng định: “Nếu nhà trường cố gắng nhưng phụ huynh vẫn cố tình cho con sử dụng xe máy thì mọi sự cố gắng của nhà trường đều vô ích”.

 

Theo Văn Dũng

Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm