Siết chặt liên kết đào tạo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực GD-ĐT và dạy nghề bao gồm liên kết đào tạo, thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, thành lập văn phòng nước ngoài đại diện tại Việt nam.

Theo Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các hình thức liên kết đào tạo được phép triển khai gồm: Đào tạo trực tiếp theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; thực hiện toàn bộ chương trình tại Việt Nam hoặc một phần chương trình tại Việt Nam, một phần chương trình tại nước ngoài; cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam, của nước ngoài hoặc hai bên cấp riêng theo quy định của từng bên.

Thời hạn hoạt động của chương trình liên kết đào tạo không quá 5 năm, kể từ ngày được phê duyệt và có thể được gia hạn, mỗi lần gia hạn không quá 5 năm. Để được liên kết đào tạo phải đáp ứng những yêu cầu về đội ngũ nhà giáo; cơ sở vật chất thiết bị; chương trình, quy mô đào tạo, ngôn ngữ giảng dạy. Đáng chú ý có quy định nêu rõ: “Ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy các môn chuyên ngành trong liên kết đào tạo để cấp văn bằng nước ngoài là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch; có thể giảng dạy thông qua phiên dịch đối với các chương trình đào tạo liên kết đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ của Việt Nam”.

Nghị định cũng nhấn mạnh: Chương trình đào tạo nước ngoài thực hiện tại Việt Nam phải là chương trình đã được kiểm định chất lượng ở nước ngoài hoặc chương trình của cơ sở giáo dục đã được tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài công nhận về chất lượng; Cơ sở giáo dục thực hiện liên kết đào tạo phải cung cấp đầy đủ giáo trình, tài liệu học tập phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của HS, SV, học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Về đối tượng tuyển sinh vào các chương trình liên kết đào tạo cấp văn bằng phải đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể như sau, đối với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục Việt Nam thì phải tuân thủ theo quy định pháp luật Việt Nam về điều kiện tiếp nhận vào học các trình độ trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ.

Đối với trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục nước ngoài thì phải tuân thủ quy định về theo điều kiện tiếp nhận vào học các trình độ trung cấp, CĐ, ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ của cơ sở giáo dục nước ngoài. Các điều kiện này phải tương ứng với điều kiện tiếp nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài quy định tại nước sở tại được Bộ GD-ĐT hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp nhận.

Nếu đào tạo liên kết mà cả hai phía đều cấp bằng thì phải thỏa mãn đồng thời cả hai quy định trên.

Cũng để tránh việc thiếu năng lực ngoại ngữ nhưng vẫn được tiếp nhận học chương trình liên kết cấp bằng nước ngoài, quy định này cũng đưa ra yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Theo đó, với liên kết trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B2 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương. Đối với liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng thì đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ B1 theo khung tham chiếu chung châu Âu về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương.

Căn cứ nhu cầu của người học, các cơ sở giáo dục liên kết có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng giúp thí sinh đạt trình độ theo quy định trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa.

Nghị định này sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/11/2012.
 

5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài

Theo Nghị định số 73/2012/NĐ-CP về Quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư trực tiếp thành lập cơ sở giáo dục theo 2 hình thức: Cơ sở giáo dục 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài; cơ sở giáo dục liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị định cũng nêu rõ 5 loại hình cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được phép thành lập gồm: 1. Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; 2. Cơ sở giáo dục mầm non (trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, dành cho trẻ em là người nước ngoài; 3. Cơ sở giáo dục phổ thông (trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học) thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp văn bằng của nước ngoài, dành cho học sinh là người nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam có nhu cầu; 4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 5. Cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, cơ sở giáo dục phổ thông được phép tiếp nhận học sinh Việt Nam, nhưng số học sinh Việt Nam ở trường tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường, ở trường trung học phổ thông không quá 20% tổng số học sinh của trường. Học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

 
S.H