SGK ở Trung Quốc: Kim Dung “đá” Lỗ Tấn

Từ 1/9, các trường trung học ở Bắc Kinh bắt đầu thực hiện thay đổi sách giáo khoa môn ngữ văn. Đáng chú ý nhất là “Tuyết Sơn phi hồ” của Kim Dung đã thế chỗ của “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn.

Từ ngày 1/9 năm nay, các trường trung học ở Bắc Kinh bắt đầu thực hiện thay đổi sách giáo khoa môn Ngữ văn, theo đó một loạt tác phẩm văn học kinh điển và các áng thơ văn cổ bị loại bỏ, thay vào đó là những tác phẩm mang tính thời thượng.

 

Đáng chú ý nhất là “Tuyết Sơn phi hồ” của Kim Dung đã thế chỗ của “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn.

 

Tin tức truyền đi lập tức gây nên cuộc tranh luận sôi nổi trên mặt báo cũng như các diễn đàn Internet và nhanh chóng hình thành hai luồng dư luận đối nghịch nhau. Những người tán thành và ủng hộ việc thay thế này thì ca ngợi Ủy ban biên soạn sách giáo khoa Bắc Kinh đã mạnh dạn “đáp ứng nhu cầu thời đại”.

 

Tuy nhiên, những người phản đối chiếm số đông lại cho rằng: “văn hóa kiểu fastfood đã thay thế văn hóa uyên thâm bác học mất rồi”, “điều này báo hiệu một nền văn hóa giải trí đã ập đến”. Nhiều người lo ngại việc loại bỏ quá nhiều tác phẩm văn học cổ trong sách giáo khoa trung học sẽ tạo nên sự đứt gãy về văn hóa.

 

Theo báo chí thì việc “Tuyết Sơn phi hồ” được đưa vào sách giáo khoa trung học Bắc Kinh không phải là việc ngẫu nhiên bởi trong Ban biên soạn SGK có rất nhiều người là fan của Kim Dung.

 

Có ít nhất 3 vị giáo sư, phó giáo sư, trong đó có ông Trưởng ban biên tập Cố Đức Hy là người mê truyện chưởng Kim Dung và chính ông Cố Đức Hy đã đề nghị đưa “Tuyết Sơn…” vào thế chỗ cho “AQ chính truyện”.

 

Những tiết lộ này đã gây nên sự bất bình mạnh mẽ trong dư luận. Nhiều người cho rằng, tu sửa sách giáo khoa dựa vào ý thích cá nhân là điều không thể chấp nhận được, là rất vô trách nhiệm.

 

Có người thậm chí viết “Một nhóm mê tục tự xưng là chuyên gia, các vị là fan của Kim Dung thì bắt thế hệ trẻ cũng phải là fan Kim Dung sao? Văn hóa kinh điển bị loại bỏ thì còn ai được thưởng thức nữa chứ?”.

 

Bên cạnh việc nghi ngờ trình độ của những thành viên Ban biên soạn, nhiều cư dân mạng còn cho rằng đem “Tuyết Sơn…” thay thế “AQ…” là “dùng văn học thông tục thay thế văn học chủ lưu”, tác phẩm “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn là tác phẩm khởi đầu cho văn học cận đại Trung Quốc, mổ xẻ tính cách của người TQ, việc học sinh trung học nghiên cứu nó là rất cần thiết và không thể thay thế, vì sao lại tuỳ tiện bỏ nó đi?

 

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng “đưa truyện chưởng Kim Dung vào SGK là sự suy đồi của một nền văn hóa nước lớn”. Cũng có ý kiến cho rằng đưa tác phẩm Kim Dung vào cũng được nhưng không nên loại bỏ tác phẩm của Lỗ Tấn vì đó là hai ngọn cờ của hai dòng văn học, họ bổ sung cho nhau, tạo nên sự toàn vẹn của văn học TQ.

 

Ý kiến của các chuyên gia cũng phân thành hai luồng khác nhau. Một số không tán thành việc đưa tác phẩm của Kim Dung vào thay cho tác phẩm Lỗ Tấn, một số lại cho rằng tác phẩm Kim Dung xứng đáng có chỗ đứng trong sách giáo khoa nhưng cũng không nên gạt tác phẩm của Lỗ Tấn. Một số khác lại tán thành loại tác phẩm của Lỗ Tấn ra vì “toàn chửi bới người khác”.

 

Đáng chú ý có ý kiến của Phó giáo sư Chu Sùng Khoa ở ĐH Trung Sơn cho rằng vấn đề không phải ở chỗ đưa tác phẩm này vào, đưa tác phẩm kia ra khỏi SGK là có thể xoay chuyển được tình hình bế tắc trong việc giảng dạy ngữ văn hiện nay.

 

Cốt lõi của vấn đề nằm ở chỗ mô thức giáo dục và thể chế thi cử kia. Cần phải thay đổi mô thức dạy học và thể chế thi cử thì mới nâng cao được chất lượng môn ngữ văn.

 

Hầu hết các chuyên gia về ngữ văn đều cho rằng cần phải bảo lưu tinh hoa văn học cổ, nó phải chiếm khoảng 20% trong SGK, khuynh hướng bỏ cổ văn là sai lầm và không thể chấp nhận được.

 

Theo Thu Thủy

Tiền Phong