Sẽ mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường sư phạm tổ chức đào tạo một số ngành mới.

Việc tuyển sinh vào các trường sư phạm để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đang thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương, trường học và cả xã hội.

Sẽ mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên

Tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 11/5, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ  trưởng Vụ  Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, các ngành đào tạo phục vụ chương trình phổ thông mới gồm các ngành Sư phạm lịch sử, địa lý; Sư phạm khoa học tự nhiên.

Sẽ mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên - 1

Năm 2019, Bộ GD-ĐT cho phép mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu của việc giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới (ảnh minh họa)

Năm 2019, các trường đào tạo sư phạm ở các trình độ đại học, cao đẳng đã đăng ký mở ngành, đăng ký chỉ tiêu để tổ chức đào tạo các ngành học trên cơ sở các ngành đã đào tạo các ngành học đơn như: sư phạm lịch sử, sư phạm địa lý, sư phạm Vật lý, sư phạm sinh học, sư phạm Hóa học.

Song song tổ chức đào tạo các ngành mới trên, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường tổ chức bồi dưỡng, đào tạo văn bằng 2 đối với sinh viên đã học một trong các ngành học trên giải quyết bài toán giáo viên chưa có việc làm.

Trước câu hỏi về điểm sàn vào các ngành sức khỏe, sư phạm năm nay cao, bà Kim Phụng khẳng định, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe, sư phạm đã được quy định cụ thể tại quy chế tuyển sinh năm 2019. Các trường sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia sẽ được xác định sau khi có kết quả kỳ thi THPT Quốc gia.

Nếu sử dụng kết quả học tập lớp 12 tùy ngành có thể thí sinh có học lực Giỏi hoặc Khá thì trường kết hợp xét tuyển với điểm thi THPT Quốc gia của trường tối thiểu bằng điểm trung bình cộng theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định và điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ đại học tùy ngành tối thiểu là 8,0 trở lên hoặc 6,5 trở lên.

Năm 2019, Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo giáo viên theo nhu cầu của các địa phương. Bộ đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị. Kết quả về nhu cầu đào tạo giáo viên của các địa phương năm 2019 là 63.364 chỉ tiêu (Mầm non là 23.333 chỉ tiêu; Tiểu học là 21.220 chỉ tiêu; THCS là 14.580 chỉ tiêu; THPT có 3.553 chỉ tiêu).

Việc xác định chỉ tiêu năm 2019 dựa theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường sư phạm để giao chỉ tiêu trong phạm vi hai căn cứ trên. Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên là 44.076/63.364 đạt 69,56% nhu cầu của các địa phương theo các ngành đào tạo.

Trường đại học muốn “vơ vét” cũng không có thí sinh

Kỳ thi THPT quốc gia 2019 có 887.173 thí sinh đăng ký dự thi và xét tuyển, giảm 4,19% so với năm ngoái. Trong đó, số thí sinh đăng ký tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên năm nay giảm 12,76% so với năm trước, thí sinh đăng ký tổ hợp thi Khoa học xã hội tăng 2,66%. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh chung năm nay tăng 7,57%. 

Sẽ mở thêm ngành mới đào tạo giáo viên - 2

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT).

Số lượng nguyện vọng trung bình thí sinh đăng ký năm 2019 là 3,94 nguyện vọng. Thí sinh đăng ký số lượng nguyện vọng nhiều nhất là 1 thí sinh ở Hà Nội, thí sinh này đăng ký tới 50 nguyện vọng.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc số lượng thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ có cơ hội vào nhiều trường đại học. Trong khi đó, sẽ có trường khan hiếm thí sinh phải “vơ vét” dẫn đến chất lượng không đảm bảo, bà Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định, có khoảng 40% thí sinh vào đại học trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi hàng năm, số này hàng năm dao động không nhiều. Con số này tính trên số người đến 18 tuổi của toàn quốc chỉ chiếm 20% thôi vì thế nếu nói vào ĐH quá nhiều cũng không đúng. 

Việc có ý kiến một số trường vơ vét thí sinh cũng không sai nhưng nó chỉ ở một số trường vì có ít thí sinh đăng ký xét tuyển nên họ không có điều kiện sàng lọc. Ở trường đó, thí sinh đủ điều kiện là họ xét tuyển.

Trong giai đoạn này, ngay lúc đăng ký tuyển sinh, có hơn 20 trường có dưới 50 nguyện vọng đăng ký, đây là những nguyện vọng thấp, có trúng chưa chắc thí sinh đã vào học. Năm 2018, số chỉ có dưới 20 thí sinh trúng tuyển cũng có tới 10 trường. Như vậy, nếu không đảm bảo chất lượng thực sự, trường đại học muốn “vơ vét” cũng không có thí sinh.

Nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường công bố điều kiện đảm bảo chất lượng trong đề án tuyển sinh như: cơ sở vật chất, giảng viên, tỉ lệ việc làm hàng năm theo từng ngành, điểm vào những năm trước…để thí sinh biết và lựa chọn. Gần đây, có 123 trường đã được công bố kiểm định chất lượng.

Theo Bích Lan

VOV