Sẽ không quá “nóng” chuyện sinh viên vay vốn

(Dân trí) - Trong khi các ngân hàng chính sách ráo riết chuẩn bị tiền cho sinh viên vay vốn thì không phải sinh viên nghèo nào cũng háo hức đón chờ được vay. Nguyên nhân của tâm trạng này, bên cạnh chuyện thủ tục còn là những rào cản vô hình khác.

Vay vốn ngân hàng để có thêm khoản trang trải các kinh phí đối với sinh viên không còn là vấn đề quá mới. Bắt đầu từ năm 2001 sinh viên đã được làm quen với hình thức này. Chỉ thị 21 do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 4/9/2007 đã gia tăng thêm “sức mạnh” cho việc sinh viên vay vốn.

 

Nhưng, đối với sinh viên, vay vốn có thực sự là một giải pháp tốt nhất để tháo gỡ bế tắc cho việc học hành? 

 

Thà rằng lấy ngắn nuôi dài!

 

Bạn Hùng Tiến, quê huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá hiện đang sinh viên trường ĐH Bách khoa, cho biết: “Bố mẹ em quanh năm suốt tháng chỉ biết vào ra với con lợn, con gà, mấy sào ruộng và chưa từng đặt chân đến ngân hàng bao giờ. Nói đến vay vốn là các cụ phát hoảng chứ nói gì đến việc trực tiếp phải đi vay.

 

Ở nhà quê, một triệu đồng to lắm, thà rằng chắt bóp mỗi tháng vài trăm nghìn còn thấy yên tâm chứ bảo đi vay ngân hàng mấy triệu đồng một lúc thì cả năm ăn không ngon ngủ không yên vì sợ không có tiền trả nợ ấy chứ!”

 

Khác với những năm trước, bắt đầu từ năm 2007, lãi suất cho vay vốn để đi học đã tăng từ 0,45% lên 0,65%/ tháng. Nhiều phụ huynh rất hăm hở khi biết mình sẽ được ngân hàng cho vay tiên để nuôi con học ĐH nhưng phải đối diện với tổng số tiền lãi mà sau 4-5 năm sẽ phải trả thì đều thấy... sợ.

 

“Nuôi bò, nuôi trâu, nuôi lợn... rồi bán đi lấy tiền cho con ăn học, có thể sẽ thiệt thòi nhiều so với việc đi vay vốn và trả lãi nhưng như thế sẽ làm chúng tôi không cảm thấy hốt hoảng bằng việc ký số đi vay! Trâu, bò, lợn bán đi thì thôi nhưng cuốn số vay thì lúc nào cũng có thể... nhìn thấy! ”- Đó là tâm sự của ông bố Nguyễn Văn Vinh ở Kim Sơn (Ninh Bình).

 

Ông Vinh đang nuôi hai người con, con trai đang học ở CĐ Giao thông và con gái đang học ở ĐH Nông nghiệp 1. Ngoài nghề nông thì ông Vinh còn bươn chải thêm bằng nghề buôn lạc, mỗi tháng cũng kiêm thêm được 500 - 700 nghìn. Rất vất vả nhưng ông Vinh chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cho con vay vốn đi học.

 

“Ngoài chuyện lúc nào cũng nhìn thấy cuốn sổ vay thì còn một nguyên nhân khác. Vay nợ rồi hy vọng đến lúc các cháu đi làm sẽ có tiền trả nợ thì không biết trả đến bao giờ mới xong? Tương lai ra trường mù mịt lắm! Mà không có tiền trả nợ thì lại không lấy được bằng ĐH. Rồi cứ quẩn quanh thế chi bằng lo được ngày nào thì hay ngày đó còn hơn!” - ông cho hay.

 

Như tại ĐH Cần Thơ là một trong những trường ĐH được xem là nơi mà đa số sinh viên của trường có gia đình làm nghề nông, thuộc vùng sâu, vùng xa… cho nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Vào năm học 2004-2005, khi cho sinh viên vay vốn để học tập, ĐH Cần Thơ đã có yêu cầu tất cả các sinh viên đã ký hợp đồng tín dụng và nhận tiền vay từ quỹ tín dụng hỗ trợ học tập phải đến trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Cần Thơ để ký “Giấy cam kết trả nợ” cho Ngân hàng trong thời gian 03 tháng trước khi tốt nghiệp.

 

Sau khi các sinh viên đã hoàn thành thủ tục với Ngân hàng, mang “Giấy cam kết trả nợ” (đã có chữ ký và mộc đỏ của Giám đốc Ngân hàng) đến Văn phòng Đoàn trường để xoá sổ nợ và ký hồ sơ thanh toán ra trường. Đây là quy định bắt buộc đối với tất cả sinh viên vay vốn học tập tại trường, những trường hợp không hoàn thành thủ tục sẽ không được cấp “Giấy Chứng nhận tốt nghiệp” và “Bằng tốt nghiệp” sau khi ra trường.


Đi vay = Áy náy + mạo hiểm

 

Mặc dù Chương trình cho vay tín dụng sinh viên không chỉ giải quyết các vấn đề tài chính mà còn là cơ hội giúp cho sinh viên từng bước làm quen với các giao dịnh tài chính qua Ngân hàng, một yêu cầu không thể thiếu ở một xã hội phát triển.

 

Mặt khác, việc thực hiện chương trình cho vay tín dụng sinh viên giúp cho Nhà trường thuận lợi trong việc thu học phí theo qui định. Đồng thời chương trình cho vay chia sẻ áp lực đối với Nhà trường trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác sinh viên - vấn đề chính sách để tập trung nhiều hơn cho công tác đào tạo...

 

Theo quy định hiện hành của Ngân hàng chính sách xã hội về thủ tục cho vay thì mặc dù đối tượng được cho vay là  sinh viên, nhưng người đứng ra vay sẽ là hộ gia đinh. Nhưng hộ được vay là những hộ nghèo theo tiêu chuẩn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, và những hộ khó khăn có mức thu nhập chưa vượt quá 150% tiêu chuẩn hộ nghèo. Những sinh viên này nếu có nhu cầu vay vốn, gia đình họ sẽ phải làm đơn xin vay vốn, được các đoàn thể và chính quyền địa phương xác nhận, kết nạp vào tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, phường.

 

Sau khi đã được chứng nhận, thì chi nhánh NHCSXH địa phương sẽ làm thủ tục vay vốn. Những thủ tục vay vốn này chỉ phải làm một lần, sau đó, mỗi năm hai kỳ, ngân hàng sẽ chuyển tiền về hộ gia đình chứ không trao trực tiếp cho học sinh, sinh viên ở trường như trước đây. Cho vay ở gia đình, ngân hàng mới có địa chỉ để cho vay, theo dõi và thu hồi nợ, kết hợp giữa ngân hàng và gia đình cùng kiểm soát số vốn vay đó.

 

Như vậy, khi vay vốn đi học, gáng nặng sẽ dồn cả vào hai vai phụ huynh và không phải sinh viên nào cũng “cam lòng” thản nhiên nhận tiền hàng tháng khi biết bố mẹ mình khó mà thanh thản được khi luôn phải đối diện với các món nợ ngân hàng như vậy.

 

Cùng đó, một trong các giải pháp “đòi nợ” hiện nay của một số Ngân hàng chính sách là... giữ lại bằng tốt nghiệp của sinh viên vay vốn. Chính vì cái “án treo” này mà nhiều gia đình sinh viên nghèo thà nhịn ăn nhịn mặc còn hơn đi vay vì như thế là quá... mạo hiểm.

 

Số sinh viên đi vay ở các trường ĐH hầu như không đáng kể. Chẳng hạn như tại Học viện Ngân hàng, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Hà Nội, ĐH Mở TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM, số sinh viên đi vay chỉ lẻ tẻ ở con số... vài chục, nhiều lắm cũng chỉ đến trên dưới 200!

 

Chẳng hạn như thống kê về số sinh viên đi vay tại ĐH Kinh tế TPHCM năm 2003-2004 chỉ có 121 sinh viên, năm 2004-2005 là 243 sinh viên trong khi tổng số sinh viên của trường lên đến hàng vạn sinh viên.

 

M.M