Sẽ điều chỉnh ngay khâu xét tuyển
Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh kỳ thi THPT quốc gia theo tinhthần ngày càng thân thiện, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội.
Sau khi kết thúc đợt 1 (từ ngày 1-8 đến 20-8) xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ năm 2015 cho thấy chủ trương giảm tốn kém và áp lực cho TS đã gần như thất bại. Nhất là trong khâu xét tuyển bộc lộ nhiều bất cập vì gây khó khăn, mệt mỏi cho TS, phụ huynh và nhà trường.
Chia sẻ về những bất cập trên, PGS-Tiến sĩ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), thừa nhận những vấn đề mà báo chí phản ánh là đúng thực tế.
Ghi nhận và chia sẻ
. Phóng viên: Đợt 1 xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ vừa kết thúc. Ông đánh giá như thế nào về đợt xét tuyển này?
+ PGS-Tiến sĩ Mai Văn Trinh: Xét trong tổng thể hệ thống các trường ĐH-CĐ cả nước, công tác xét tuyển ĐH-CĐ khá nhịp nhàng và đúng quy chế. Tuy nhiên, đây là cách làm mới, lần đầu triển khai và chưa có tiền lệ nên trong quá trình triển khai còn có những khâu chưa thật nuột nà, trôi chảy cần rút kinh nghiệm.
Với tinh thần cầu thị vì quyền lợi của TS, chia sẻ với các trường, Bộ đã kịp thời đưa ra những giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho TS như cho TS thay đổi NV ĐKXT tại các trường THPT hay tại các Sở GD&ĐT.
. Quy định về việc rút hồ sơ cho thấy TS và người nhà rất vất vả. Đã có những TS ở vùng cao, vùng xa phải trọ lại ở TP cả tuần chỉ để canh việc rút và nộp hồ sơ. Dư luận xã hội cho rằng việc nộp và rút hồ sơ quá phức tạp dẫn đến tốn kém?
+ Hiện tượng TS tập trung rút hồ sơ và thay đổi NV chủ yếu diễn ra ở 20-30 trường ĐH, là những trường ĐH tốp đầu so với hơn 400 trường ĐH-CĐ trong cả nước. Hiện tượng trên xảy ra đã gây những khó khăn nhất định cho một tỉ lệ TS đã ĐKXT vào các trường tốp trên. Do xử lý thông tin trước đó không tốt, các em không xác định được mức điểm của mình so với tương quan chung. Việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia với hai mục đích so với bốn kỳ thi như trước đây về mặt tổng thể đã giảm được nhiều chi phí và áp lực cho TS.
Tiếp tục lắng nghe
. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ GĐ&ĐT chưa lường hết được những vất vả mà TS sẽ đối mặt. Ngay như biện pháp hỗ trợ TS là yêu cầu các Sở GD&ĐT phối hợp với các trường THPT tiếp nhận thay đổi NV xét tuyển của TS cũng bị cho là giải pháp tình thế, chữa cháy?
+ Khi thiết kế quy trình xét tuyển vào ĐH-CĐ năm 2015, Bộ GD&T đã tính toán và dự kiến những tình huống có thể phát sinh. Đồng thời cũng chủ động các giải pháp để sẵn sàng sử dụng khi cần. Việc cho phép TS ĐKXT tại Sở GD&ĐT cũng như các trường THPT đã được tính toán từ trước, phần mềm đã được chuẩn bị từ trước. Nếu là giải pháp chữa cháy thì không đủ thời gian để làm phần mềm, để chạy thử, để đảm bảo phần mềm chạy nuột nà như vậy. Đây là việc Bộ đã chủ động từ trước nhưng vì sao không sử dụng 10 ngày đầu tiên, vì 10 ngày đầu tiên chủ yếu là các em nộp hồ sơ, việc thay đổi NV chưa nhiều. Nửa sau việc nộp NV tăng lên, chúng ta đã sử dụng biện pháp này. Tuy nhiên, trong quá trình xét tuyển có những kỹ thuật chưa thật tối ưu, cần hoàn thiện, Bộ sẽ tiếp tục trao đổi ý kiến, lắng nghe để tiếp tục hoàn thiện trong những năm tiếp theo.
. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian xét tuyển 20 ngày là quá dài và gây mệt mỏi không cần thiết?
+ Khi xây dựng quy chế tuyển sinh, Bộ đã trao đổi với các trường, cũng dự kiến thời gian 10-15 ngày. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng với thời gian ngắn như vậy thì các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không kịp ĐKXT, ảnh hưởng đến quyền lợi các em. Thực tế cho thấy 20 ngày là dài. Bộ GD&ĐT sẽ xem xét nghiêm túc vấn đề này, đồng thời sẽ đi kèm với giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thời gian xét tuyển trong những năm sau.
. Bộ sẽ có những giải pháp gì để tổ chức kỳ thi thực sự giảm áp lực, tốn kém cho cả TS, gia đình và xã hội?
+ Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và những năm tới theo tinh thần càng ngày càng thân thiện, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội. Trong quá trình xét tuyển, có những khâu cần làm tốt hơn, có những khâu cần điều chỉnh. Bộ GD&ĐT với tinh thần nghiêm túc, cầu thị cùng với các trường ĐH-CĐ và hệ thống giáo dục sẽ có những thảo luận để điều chỉnh.
. Xin cám ơn ông.
Thí sinh không được rút hồ sơ nguyện vọng bổ sung Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, sau khi ĐKXT vào trường, TS không được thay đổi NV và không rút hồ sơ để chuyển sang trường khác. Đó là điểm mới đáng lưu ý trong đợt 2 so với đợt xét tuyển 1. Theo quy chế tuyển sinh năm 2015, trong đợt xét tuyển thứ hai, TS sử dụng một giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký tối đa bốn ngành trong một trường. Ở đợt xét tuyển này, các TS có thể sử dụng cùng lúc cả ba giấy chứng nhận kết quả còn lại để đăng ký vào ba trường (tương đương tối đa 12 ngành). TS có thể gửi phiếu ĐKXT tại Sở GD&ĐT hoặc trường THPT do Sở GD&ĐT quy định. Ngoài ra, TS cũng có thể gửi phiếu ĐKXT qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh hoặc nộp trực tiếp tại trường. “Các trường phải tổ chức xét tuyển, công bố kết quả trúng tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và chuyển giấy báo trúng tuyển cho TS” - ông Ga yêu cầu. Theo quy định, xét tuyển NV bổ sung đợt 1 từ ngày 25-8 đến hết ngày 15-9, công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20-9. |
Theo Huy Hà - Lê Thu
Pháp luật TPHCM