Đề án Cơ chế học phí cho giáo dục:
Sẽ có hai khung học phí “cứng” và “mềm”
(Dân trí) - Chiều qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc họp với các vụ chức năng về việc xây dựng đề án Cơ chế học phí cho giáo dục. Mức học phí dự kiến sẽ có điều chỉnh tăng từ năm 2007. Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự thảo và sẽ còn nhiều sửa đổi.
7 yếu kém tồn tại trong thu và sử dụng học phí
Kết thúc cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) đơn vị chủ trì xây dựng đề án cho biết: Trong lần sửa đổi học phí này, đề án phải phân tích đầy đủ thực trạng khung học phí hiện hành để đưa ra được giải pháp tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội.
Theo phân tích của đề án, khung học phí hiện hành không bao quát hết các cơ sở giáo dục ở các địa bàn kinh tế - xã hội khác nhau và sự phát triển đa dạng của các cơ sở giáo dục.
Từ trước đến nay, thu học phí luôn tồn tại bốn yếm kém: Thứ nhất là tình trạng lạm thu do mức học phí thấp tại không ít cơ sở giáo dục. Thứ hai là hiệu quả thấp trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Thứ ba, chưa đem lại chuyển biến tích cực trong việc thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục vì mức học phí hiện nay, chủ yếu trong giáo dục ĐH, mang tính chất bình quân cho cả người giàu và người nghèo, vùng kinh tế phát triển và vùng khó khăn. Thứ tư là chưa tạo được động lực cần thiết để các trường chuyên, trường trọng điểm, trường chất lượng cao phấn đấu nâng cao tính cạnh tranh trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Việc sử dụng học phí cũng tồn tại ba yếu kém cơ bản: kém hiệu quả, kém minh bạch và các qui định về sử dụng học phí không thực tế.
Từ thực trạng này, ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết: Đề án học phí mới sẽ tập trung đề xuất cơ chế thu và sử dụng học phí và dự kiến học phí của các cấp học, trình độ đào tạo sẽ tăng từ năm 2007.
3 nguyên tắc đặc biệt trong việc xây dựng khung học phí mới
Đề án cũng xác định 3 nguyên tắc đặc biệt phải chú trọng trong việc tăng học phí như sau:
- Chế độ học phí mới phải thực hiện được công bằng, bình đẳng về cơ hội học tập.
- Chỉ điều chỉnh từng bước, không có sự thay đổi đột ngột và phù hợp với khả năng huy động sự đóng góp của xã hội thông quan xã hội hoá giáo dục và khả năng chi trả của người học hoặc gia đình người học.
- Không phải chỉ tăng học phí mà sẽ bao gồm cả các chính sách và giải pháp hỗ trợ để học sinh sinh viên không phải bỏ học vì lý do học phí.
Ngoài ra, chế độ học phí mới còn được Bộ GD-ĐT đề xuất thực hiện theo 3 nguyên tắc cơ bản sau: 1. Không thu bình quân mà được xác định khác nhau tuỳ theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. 2. Phải phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường và yêu cầu chất lượng khác nhau của từng chương trình giáo dục. 3. Học phí phải gắn với chất lượng giáo dục, những cơ sở giáo dục có chất lượng cao được phép thu học phí cao.
Đối với khung học phí, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay thế khung học phí “cứng” bao quát mọi vùng miền hiện nay bằng khung học phí “mềm”. Theo đó, đối với các cấp học phổ thông, học phí sẽ do UBND cấp tỉnh xây dựng cho từng địa phương, đối với các trường công lập trực thuộc trung ương (chủ yếu là các trường ĐH, CĐ, TCCN và dạy nghề), khung học phí sẽ do Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB&XH xây dựng. Riêng đối với các trường ngoài công lập được quyền chủ động xây dựng mức học phí.
Nhóm PV Giáo dục