Sẽ ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành Quy định Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục ĐH để xin ý kiến đóng góp trước khi ban hành chính thức. Đây sẽ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu để được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo yêu cầu của Luật Giáo dục đại học

Nội dung chính của Dự thảo Thông tư quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học bao gồm 2 phần chính:

Phần 1: Các tiêu chuẩn cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia (10 tiêu chuẩn liên quan đến các hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học và các điều kiện đảm bảo chất lượng bao gồm: Sứ mạng và mục tiêu; Tổ chức và quản lý; Cơ sở vật chất và thiết bị; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên; Hoạt động đào tạo; Hoạt động khoa học công nghệ; Tự chủ tài chính; Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục; Kết quả xếp hạng; Sự hài lòng của sinh viên và cơ quan sử dụng lao động).

Sẽ ban hành quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học
Cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn quốc gia sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Một cơ sở giáo dục đại học muốn được công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia cần phải đạt được tất cả các tiêu chí. Các cơ sở giáo dục đại học không chỉ phấn đấu có được những điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên mà cần quan tâm đến kết quả cao trong các mặt hoạt động và trong đó xem xét đến cả các tiêu chí về đánh giá khách quan từ chính người học và cơ quan sử dụng lao động. Cơ sở giáo dục đại học được công nhận đạt chuẩn quốc gia sẽ khẳng định được vị thế và thương hiệu trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, hướng tới hội nhập với các cơ sở giáo dục đại học của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Phần 2: Quy tŕnh đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia dự thảo đưa ra hai phương án. Một là, tổ chức đánh giá được giao nhiệm vụ công nhận đạt chuẩn quốc gia; Hai là, Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn quốc gia trên cơ sở kết quả đánh giá của một tổ chức được giao nhiệm.

Về các tiêu chuẩn mà dự thảo đưa ra đáng quan tâm đến cơ sở vật chất và thiết bị; Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên. Cụ thể, yêu cầu diện tích đất tối thiểu 25 m2/sinh viên; Diện tích xây dựng b́ình quân tối thiểu 9 m²/sinh viên, trong đó diện tích phục vụ học tập ít nhất là 6 m²/sinh viên.

Các công trình xây dựng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn thiết kế TCVN hiện hành phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề đào tạo và kế hoạch phát triển quy mô của nhà trường, bao gồm: hội trường, giảng đường, phòng học; thư viện, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm - thực hành, phòng học mô phỏng; phòng làm việc cho giáo sư, phó giáo sư; phòng làm việc cho giảng viên và bộ máy hành chính; ký túc xá, các công trình phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hoá, trạm y tế, trung tâm dịch vụ phục vụ nhu cầu của cán bộ, giảng viên và sinh viên.

Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin kết nối tất cả các đơn vị của cơ sở giáo dục đại học. Thư viện và trung tâm thông tin học liệu có đủ các giáo tŕnh, tài liệu tham khảo cần thiết cho các ngành đào tạo; mỗi ngành/chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có ít nhất 03 tạp chí khoa học quốc tế để tham khảo; có thư viện điện tử và bản quyền truy cập ít nhất với một cơ sở dữ liệu quốc tế.

Về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên: Yêu cầu giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy ít nhất 75% khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo; phần còn lại do các giảng viên thỉnh giảng có uy tín, đủ năng lực chuyên môn, có học hàm, học vị và các cá nhân có kinh nghiệm thực tế đảm nhận.

Tỉ lệ sinh viên/giảng viên cơ hữu đảm bảo tối đa 8 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành nghệ thuật, thể dục thể thao; 10 sinh viên/giảng viên đối với nhóm ngành y-dược và 20 sinh viên/giảng viên đối với các nhóm ngành khác; Tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 25% trong tổng số giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu của trường đại họctheo định hướng ứng dụng và 50% đối với trường đại học theo định hướng nghiên cứu.

Tỷ lệ giảng viên, nghiên cứu viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư trên tổng số giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ tiến sĩ chiếm ít nhất 10% đối với trường đại học theo định hướng ứng dụng và 20% đối với trường đại học theo định hướng nghiên cứu.

Thông tư ra đời là một sự cần thiết

Bộ GD-ĐT cho biết, yêu cầu xây dựng Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học là một trong những nhiệm vụ và nội dung quản lý nhà nước về giáo dục đại học đã được quy định cụ thể trong Luật Giáo dục đại học, cụ thể: Khoản 3 Điều 52 về Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quy định: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học;

Khoản 4 Điều 68 về Nội dung quản lư nhà nước về giáo dục đại học bao gồm: Quản lý việc bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục đại học, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học, chuẩn đối với chương trình đào tạo các trình độ giáo dục đại học và yêu cầu tối thiểu để chương trình đào tạo được thực hiện, quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Đối với giáo dục đại học, hệ thống các chuẩn/quy định đã được xây dựng ban hành bao gồm: Quy định điều kiện thành lập trường; Quy định điều kiện mở ngành; Điều lệ trường đại học; Quy chế/quy định về tuyển sinh, tổ chức đào tạo; Chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đối với cơ sở giáo dục đại học; chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo... Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng Khung trình độ quốc gia, quy định về yêu cầu về năng lực của người học đối với mỗi trình độ của giáo dục đại học, khối lượng kiến thức tối thiểu của mỗi trình độ để làm cơ sở các trường phát triển chương trình đào tạo. Trong thời gian tới, dự kiến sẽ phải xây dựng chuẩn đối với chương trình đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Như vậy, hệ thống chuẩn đối với giáo dục đại học đã được xác định tương đối cụ thể trong Luật Giáo dục đại học và Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học là một cấu phần của Hệ thống giúp các cơ sở đào tạo xây dựng những mục tiêu phấn đấu hướng đến hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực giáo dục đại học.

“Các tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số của Chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học được nghiên cứu xây dựng theo hướng xem xét đến kết quả hoạt động và các điều kiện đảm bảo chất lượng của một cơ sở giáo dục đại học để làm cơ sở cho các cơ sở giáo dục đại học phải phấn đấu và duy trì để được hưởng các quyền lợi đi kèm theo đúng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học” - Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH cho biết.

Bộ GD-ĐT cho biết thêm, chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục đại học chỉ áp dụng đối với các đại học, học viện, trường đại học nhưng không áp dụng đối với các trường cao đẳng do từ 1/7/2015, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, các trường cao đẳng không còn là cơ sở giáo dục đại học mà chuyển thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Luật Giáo dục nghề nghiệp không có quy định chuẩn quốc gia đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Nguyễn Hùng
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm