“Say” bằng đại học, khó phân luồng

(Dân trí) - Quá “say” với mục tiêu vào đại học, có người thi đi thi lại nhiều năm liền, đánh đổi tất cả miễn sao có được tấm bằng, thất nghiệp tính sau. Mục tiêu phân luồng học nghề sau trung học vì thế vẫn không thoát khỏi bế tắc.

Hội thảo “Tăng cường phân luồng học nghề sau trung học” do Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề (VINT) tổ chức tại TPHCM ngày 22/1 chỉ ra những bế tắc, khó khăn trong việc phân luồng học sinh (HS) hiện nay.

Vào ĐH bằng mọi giá là là con đường của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. 
Vào ĐH bằng mọi giá là là con đường của không ít học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. 

Có bằng, thất nghiệp cũng được

PGS.TS Mạc Văn Tiến (Viện trưởng VINT) cho hay, mỗi năm chúng ta có 90 - 95% HS tốt nghiệp THCS vào THPT; khoảng 1 triệu HS tốt nghiệp THPT nhưng có tới 80% thi vào các trường ĐH, CĐ và chỉ khoảng 10% đi học nghề. Thực tế, số đỗ vào các trường ĐH, CĐ khoảng 60% nhưng số không đỗ cũng không vào học nghề. Có thể nói, học nghề là “lựa chọn cuối cùng” của HS.

“Cơ cấu nhân lực của chúng ta hiện nay quá bất hợp lý” ông Tiến bức xúc và đưa ra con số bất hợp lý này giữa tỷ lệ lao động ĐH - trung cấp và công nghân kỹ thuật (dạy nghề) năm 1979 là 1 - 2,25 - 7,1 và ngày càng bất hợp lý khi đến nay tỷ lệ lao động ĐH cao nhất, ước lượng năm 2012 là 1 - 0,43 - 0,56.

Trong khi tỷ lệ này ở các nước công nghiệp là 1 - 4 - 10, thậm chí ở giai đoạn công nghiệp hóa tỷ lệ còn là 1 - 4 - 60. Ngay ở giai đoạn tự động hóa, kỹ thuật viên và công nhân lành nghề vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể là 1 - 6,25 - 17,5.

PGS.TS Mạc Văn Tiến: Cơ cấu lao động của chúng ta bất hợp lý quá.
PGS.TS Mạc Văn Tiến: "Cơ cấu lao động của chúng ta bất hợp lý quá".

Nhiều đại biểu cho rằng, nhiều người đang “mù quáng” với tấm bằng ĐH là một trong những cản trở đối với việc phân luồng. Ông Nguyễn Quang Việt - Phó viện trưởng NIVT chia sẻ có rất nhiều thí sinh, gia đình nghịch cảnh đánh đổi đủ thứ để thi ĐH, không đỗ ĐH thì thi đi thi lại 3 - 4 năm chứ nhất không vào học đâu hết. Nhiều khi, họ còn được xem như là “tấm gương sáng”.

“Vượt lên hoàn cảnh, mong muốn được học hành là rất quý. Nhưng liệu có phù hợp với điều kiện, lựa chọn đó có xuất phát từ mong muốn, hiểu biết của các em hay lại từ áp lực gia đình, bạn bè, dòng họ?”, ông Việt đặt câu hỏi.

Ông Việt cũng băn khoăn khi hiện nay, vẫn còn nhiều gia đình còn có tâm lý lấy bằng ĐH đã rồi… thất nghiệp tính sau hoặc kiếm công việc khác. Công việc hướng nghiệp ở trường học phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên nhưng họ cũng không được đào tạo, không biết hết về thế giới nghề nghiệp nên cũng "nặng" tư vấn cho HS kiếm trường ĐH nào đó. "Chúng ta chưa có mã ngành học nào có ngành đào tạo về hướng nghiệp", Phó viện trưởng NIVT nói. 

Cảnh báo chất lượng lao động

Phân luồng kém dẫn đến hệ quả nhiều người cố “lao” vào ĐH kể cả không có khả năng, học ngành không phù hợp, đồng nghĩa với đánh mất cơ hội học nghề. Chất lượng nguồn lao động yếu kém cũng từ đây mà ra, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội đã được nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhắc đến. 
PGS.TS Mạc Văn Tiến: Cơ cấu lao động của chúng ta bất hợp lý quá.

TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng, các giải pháp thực hiện phân luồng phải mang tính trách nhiệm cao hơn nữa.

PGS.TS Mạc Văn Tiến cung cấp, theo báo cáo mới được công bố cuối tháng 11/2013 của Ngân hàng World Bank, lao động Việt Nam thiếu hụt nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng về hành vi và nhận thức (kỹ năng mềm). Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt đánh giá trong số lao động qua đào tạo của Việt Nam, có tới 60% không có kỹ năng làm việc (Từ sách trắng Sách trắng về môi trường kinh doanh Việt Nam do EuroCham ấn hành năm 2013).

TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ giáo dục vào đào tạo, dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, bao nhiêu năm nay dù rất cố gắng nhưng chủ trương phần luồng không thực hiện được.
Việc phân luồng, khuyến khích học sinh học nghề vẫn đang bế tắc.  

Việc phân luồng, khuyến khích học sinh học nghề vẫn đang bế tắc.  
 
Điều này dẫn đến lực lượng lao động của chúng ta đang đối diện với thực tế kém cả phẩm chất, đạo đức, năng lực lẫn kỹ năng. Thậm chí, đứng trước nguy cơ kém cả Lào, Campuchia thì khoan đã nói gì đến hội nhập, cạnh tranh với thế giới.
 

Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, Việt Nam có trên 1 triệu người từ độ tuổi 15 trở lên thất nghiệp, trong đó nhóm tuổi 25 - 24 chiếm tỷ lệ 48%; số lượng sinh viên có bằng ĐH ở độ tuổi 21-29 tuổi bị thất nghiệp lên tới 101.000 người.

Nguyên nhân thì có quá nhiều, nhưng theo ông Hưng, mỗi giải pháp phải mang tính trách nhiệm, nói quá nhiều truyền thống này, tâm lý nọ thì không giải quyết được. Sự phân luồng đòi hỏi chính sách thực sự hỗ trợ cho người học, người dạy và người sử dụng đối với dạy nghề để tạo động lực, sức hút, lôi kéo. Đồng thời, phải chứng minh được học nghề không hề thua kém và trả lời cho người dân tại sao người này học ĐH, người kia học nghề.

“Chúng ta phải làm sao để người học thấy được rằng học nghề không phải là đường cùng mà là một giải pháp để mưu cầu trở thành người có ích”, ông Hưng nhấn mạnh.

Hoài Nam