Sân trường là đường lộ nông thôn: Vừa chơi vừa tránh xe

(Dân trí) - Sân trường cũng là đường lộ nông thôn, chiều ngang chừng một bước chân, nhiều khi các em học sinh đang vui chơi thì xe chạy đến, các em phải dừng lại rồi ép sát mình vào phía trong tường tránh cho xe đi qua rồi chơi tiếp. Tình trạng này đang diễn ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực (Hậu Giang).

Ngày 23/9, chúng tôi tìm đến điểm Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực tại ấp 3B (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Hậu Giang) chứng kiến cô và trò của điểm trường này đang dạy và học trong một cơ sở thiếu thốn trăm bề.

Điểm Trường TH Nguyễn Trung Trực tại ấp 3B (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) nhìn từ xa.
Điểm Trường TH Nguyễn Trung Trực tại ấp 3B (thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A) nhìn từ xa.

Theo ghi nhận của PV, điểm trường có 2 phòng học nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Nền trong phòng thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng bên ngoài. Nhiều chỗ trên mặt tường bị nứt, thấm nước, bám đầy rong rêu khiến không gian trong phòng học trở nên ẩm thấp. Trong khi đó, các phòng học cũng không có điện, quạt nên rất tối và nóng. Cửa vào phòng học được mở một bên hông trông như vào một cái hầm. Vậy nhưng nhiều năm qua, điểm trường này là nơi mà hàng chục em học sinh phải học để “bám” lấy cái chữ.

Khốn khổ hơn đối với các em học sinh ở điểm trường này là hành lang cùng là sân trường và cũng là tuyến đường lộ nông thôn của ấp 3B chạy dọc theo kênh 7. Chúng tôi không khỏi sửng sốt khi chứng kiến các em học sinh trong giờ ra chơi phải vừa vui chơi vừa canh chừng xe cộ chạy qua lại vì sợ đụng phải.

Qua quan sát của PV, chiều dài của 2 phòng học chỉ hơn 10m thì sân trường cũng là chừng ấy chiều dài, còn chiều rộng chỉ khoảng một bước chân người lớn. Ngay kề bên đó là dòng kênh 7, cách đến mép tường của trường chỉ vài mét. Có 5 cây cột chống đỡ mái che hướng ra bờ kênh để trời mưa không tạt nước vào phòng học cũng là ranh giới của sân trường và bờ sông. Chúng tôi thật sự không hiểu nổi, nhiều năm qua, các em học sinh ở đây chơi như thế nào ở sân trường này.

Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.

Tranh thủ giờ ra chơi, PV Dân trí đã trò chuyện với cô Nguyễn Thị Thu Huệ (giáo viên dạy lớp 1 tại điểm trường) và được cô Huệ cho biết, tình trạng phòng học xuống cấp, sân trường cũng là lộ nông thôn này đã tồn tại khoảng 5 năm nay.

Cô Huệ cho biết, điểm trường ở ấp 3B là một điểm lẻ của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực. Điểm trường lẻ ấp 3B đã hoạt động khoảng 10 năm nay. Hồi trước, khu vực này con kênh 7 còn nhỏ nên có lộ ở phía ngoài và có hẳn sân trường rộng. Tuy nhiên, lâu dần con kênh bị lở, “ăn” vào bên trong nên đất bị hẹp dần khiến lộ không còn, địa phương phải làm lộ mới ngay trên sân hàng ba của trường hiện nay. Từ đó, sân trường cũng là đường lộ giao thông, khiến các em học sinh ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi.

Khi đang trò chuyện cùng cô Huệ, chúng tôi nhiều lần giật mình khi nghe tiếng còi xe kêu lên inh ỏi và tiếng la của người đi đường với các em học sinh đang chơi ở phía ngoài. Các em đang vui chơi thì xe chạy đến, các em phải dừng lại rồi ép sát mình vào phía trong tường để tránh cho xe đi qua rồi mới chơi tiếp. Cô Huệ cho biết, cảnh tượng này diễn ra hàng ngày và cũng từng xảy ra nhiều tình huống các em không tránh kịp nên bị xe cộ va quẹt vào người.

Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Đang vui chơi, khi có xe chạy qua, các em phải nép sát thế này để tránh. Có nhiều trường hợp tránh không kịp thì bị va quẹt vào người. 

Cô Huệ cho biết, hiện điểm trường ấp 3B có 2 lớp (1 lớp 1 và 1 lớp 2) với khoảng 30 học sinh. Các em học sinh ở đây chủ yếu là những em học sinh nghèo, ở xa điểm trường chính, đi lại rất khó khăn nên buộc các em phải học ở đây, vì thế mà nhiều năm qua điểm lẻ này không thể xóa được.

“Để đi học ở điểm trường chính, các em phải đi mấy cây số, rồi còn đi qua sông, qua phà tốn tiền nên rất bất tiện và nguy hiểm. Trong khi các em còn nhỏ, gia đình nghèo, cha mẹ bận làm thuê nên chủ yếu gửi cho ông bà chăm lo. Vì thế, nhiều gia đình không có điều kiện nên phải cho các em học ở đây dù biết điểm trường đã xuống cấp”, cô Huệ giãi bày.

Cũng theo cô Huệ, cũng vì điểm trường này có quá nhiều thiếu thốn như không đèn, điện nước, không sân chơi, vệ sinh bất tiện… nên nhiều gia đình đã cho con nghỉ học hoặc dẫn con đi nơi khác. “Dù vậy, ban giám hiệu và thầy cô giáo chúng tôi vẫn phải bám trường vì không muốn cho những em nhỏ ở đây phải bỏ học. Đúng ra là dạy 2 buổi mới đúng theo yêu cầu vì các em học khá yếu nhưng vì hoàn cảnh nên chỉ dạy một buổi để làm sao cho các em biết được cái chữ, con số”, cô Huệ chia sẻ.

Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các phòng học xuống cấp hư hại cũng như không có đầy đủ nhu cầu tối thiểu là điện, nước, ánh sáng... nên rất ẩm thấp.

Chúng tôi hỏi thăm một số em học sinh đang học ở đây thì nhiều em cho biết đại ý là khi xem trên tivi, thấy nhiều bạn học ở các trường lớn, có sân chơi rộng, chạy nhảy rất vui, trong khi sân trường của các em nhỏ xíu nên các em thấy buồn lắm. “Chúng em mong muốn có một trường mới, có cái sân rộng để chúng em chơi vui hơn”, em học sinh tên Cường nói.

Chia sẻ thêm với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, địa bàn này còn rất nhiều em học sinh nghèo nhưng vì việc đi lại quá khó khăn nên việc học của các em không đến nơi đến chốn. Vì thế, thầy cô giáo và người dân địa phương đều mong muốn có một trường mới rộng rãi, để có thể mở thêm nhiều lớp học nữa. “Khi đó, chúng tôi chắc là sẽ có nhiều em học sinh quay về đây học cũng như phụ huynh an tâm hơn mà cho con em mình đến trường”, cô Huệ bày tỏ.

Cô Huệ cũng cho hay, qua nhiều năm, cô nhận được phản ánh của người dân là còn nhiều người lớn ở đây chưa biết chữ. “Họ cũng muốn học để biết chữ nhưng không có điều kiện vì điểm trường hiện nay không đáp ứng được. Khi có một điểm trường khang trang hơn thì sẽ có điều kiện để phổ cập cho người dân học chữ, góp phần xóa mù chữ, tạo điều kiện cho người dân làm ăn được tốt hơn”, cô Huệ mong mỏi.


(Thực hiện: Huỳnh Hải)

Trao đổi với PV Dân trí về tình trạng của điểm trường ấp 3B, ông Nguyễn Huỳnh Đức - Phó phòng GD-ĐT huyện Châu Thành A thừa nhận, điểm trường lẻ tại ấp 3B của Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực đúng là đang xuống cấp khiến cô và trò ở đây gặp nhiều khó khăn. Trong đó, tình trạng sân trường cũng là lộ nông thôn đã gây không ít thiệt thòi cho các em học sinh.

Theo ông Đức, vừa qua địa phương đã khảo sát và đang có phương án để di dời điểm trường này. Hiện có người dân đã tình nguyện hiến khoảng 1.000m2 đất (cách điểm cũ chừng trăm mét) để làm mặt bằng xây dựng. Dự kiến sẽ xây dựng điểm mới 3 phòng học, sân chơi, hàng rào, nhà vệ sinh... với kinh phí khoảng 2,7 tỷ đồng.

“Do nguồn vốn đang thiếu nên trước mắt huyện ghi vốn cho năm 2015 khoảng 1 tỷ để xây dựng, sau đó sẽ bố trí để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, cái khó khăn để làm điểm trường mới hiện nay vẫn thiếu nguồn vốn là chính”, ông Đức nói.

Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Các em học sinh chơi trên đường lộ giao thông cũng là sân trường.
Nỗi niềm cô trò ở đây cùng mong muốn có một điểm trường mới khang trang để dạy và học tốt hơn. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Chưa biết điểm trường mới này khi nào mới có nhưng trước mắt cô trò của điểm trường ấp 3B vẫn phải dạy và học trong những phòng học xuống cấp và đối mặt với sự nguy hiểm của sân trường chật hẹp với một bên là sông nước sâu, một bên là xe cộ giao thông.

Huỳnh Hải