Săn học bổng trong nước, tại sao không?

Hiện nay, rất nhiều trường đại học tại Việt Nam cấp học bổng đầu vào hấp dẫn cho tân sinh viên. Không quá khó khăn để trở thành chủ nhân của những học bổng này nếu bạn chuẩn bị kỹ lưỡng và có chiến lược cụ thể.

Hiểu rõ về trường mình sẽ theo học 

Là người tìm học bổng, bạn cần chủ động trong việc tìm kiếm thông tin. Nguồn thông tin uy tín đầu tiên chính là website của trường Đại học mà bạn dự định theo học. Ở đó, bạn biết được về ngành học, các kỳ thi cũng như chứng chỉ cần có, những yêu cầu tối thiểu để xin được học bổng. Hãy chú ý tìm hiểu rõ điều kiện của loại học bổng bạn muốn xin để chuẩn bị kĩ càng. Bạn cũng có thể tham khảo từ các diễn đàn hoặc các trang web chuyên về giáo dục, hỏi ý kiến các anh chị đi trước rồi cân nhắc, lựa chọn.

Chuẩn bị hồ sơ độc đáo

Hồ sơ xin học bổng du học thường bao gồm: thẻ hộ chiếu, Bằng tốt nghiệp, Bảng điểm, Chứng chỉ Tiếng Anh, CV, Bằng khen, Chứng nhận hoạt động ngoại khóa, Thư giới thiệu, các bài luận, Application form... Tuy nhiên, với học bổng đầu vào của các trường đại học trong nước, giấy tờ sẽ đơn giản hơn. Mỗi một trường đều có những yêu cầu riêng về hồ sơ học bổng. Chẳng hạn, năm 2015, Đại học Hoa Sen quy định, hồ sơ dự tuyển học bổng cần những giấy tờ sau: Phiếu đăng ký dự tuyển học bổng theo mẫu, Thư tự giới thiệu bản thân, 2 thư giới thiệu của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn hoặc BGH trường THPT, Một bản sao học bạ hoặc sổ liên lạc hoặc các giấy tờ chứng nhận thành tích học tập khác, Các hồ sơ minh chứng đối với học bổng tài năng chuyên biệt…

Hồ sơ xin học bổng phải được chuẩn bị một cách chi tiết tránh sai sót. Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ, nên tính toán thời gian để gửi sớm hơn hạn nộp của trường khoảng 3 tuần. Phòng khi một số giấy tờ bị thất lạc hoặc hồ sơ ko đủ yêu cầu, bạn vẫn có đủ thời gian bổ sung.

Các sinh viên Hoa Sen nhận học bổng tuyển sinh đầu vào năm học 2014 -2015
Các sinh viên Hoa Sen nhận học bổng tuyển sinh đầu vào năm học 2014 -2015.

Biết mình biết ta - trăm trận trăm thắng

Nếu bạn biết rõ hồ sơ của mình “hơi đuối” so với yêu cầu đầu vào và tỷ lệ chọi của trường, thì chắc chắn 90% là hồ sơ sẽ bị trượt. Trong khi, cũng hồ sơ đó, tại một trường đại học khác, có thể bạn sẽ đứng đầu bảng xếp hạng kết quả học bổng.  

Nhiều trường hợp, hồ sơ của bạn không đủ để được học bổng du học, nhưng hoàn toàn có khả năng trở thành ứng cử viên sáng giá cho học bổng đầu vào của một đại học trong nước. Do đó, bạn nên lượng sức mình để có chiến thuật đúng đắn, đừng vì bất cứ lý do gì mà vuột mất cơ hội trong tầm tay!

Chia sẻ từ người trong cuộc

Nguyễn Lê Như Huệ (cựu học sinh trường THPT Mạc Đĩnh Chi) đã xuất sắc giành học bổng Tài năng 3 năm tại Đại học Hoa Sen. Huệ chia sẻ, bên cạnh những thành tích nổi trội thì bí quyết săn học bổng là biết cách làm cho hồ sơ của mình trở nên độc đáo. Khi viết thư, bạn phải khéo léo nêu bật điểm mạnh của bản thân và lý do mình xứng đáng dành học bổng. Đặc biệt, văn phong phải chân thật mới gây được thiện cảm và thuyết phục được những người xét học bổng. Đối với thư giới thiệu, nên nhờ người hiểu rõ điểm mạnh của bạn và thông báo từ sớm để họ sắp xếp thời gian viết.

Lê Như Huệ - chủ nhân học bổng Tài Năng 3 năm tại ĐH Hoa Sen
Nguyễn Lê Như Huệ - chủ nhân học bổng Tài Năng 3 năm tại ĐH Hoa Sen.

Một sinh viên khác của Đại học Hoa Sen, bạn Ngô Ngọc Thảo Nguyên (cựu học sinh trường THPT Trần Đại Nghĩa) cũng là chủ nhân của Học bổng Tài Năng suốt 4 năm trị giá 200 triệu đồng. Thảo Nguyên bật mí: “Để gây ấn tượng trong hồ sơ, khi viết thư mình trình bày kế hoạch dự định sẽ làm gì với số tiền học bổng. Đồng thời nói về trải nghiệm của bản thân thông qua những hoạt động xã hội đã tham gia. Ngoài những tài liệu mà trường yêu cầu, mình còn nộp một đĩa nhạc quay lại clip mình vừa đàn vừa hát. Có lẽ, chính điều đó đã khiến hồ sơ của Thảo Nguyên thực sự đặc biệt”.

Thảo Nguyên gửi lời nhắn nhủ các thí sinh trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới: “Các bạn đừng bao giờ có tư tưởng “chỉ nộp hồ sơ chơi vậy thôi, nhiều người thế chắc gì mình được học bổng”. Cơ hội là của mình và chỉ đến một lần, mình không nắm bắt thì người khác sẽ thay ta nắm lấy!”.

Nguyên Minh

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm