Sai lầm của học sinh Việt trong bộ hồ sơ du học: Chỉ đánh mạnh vào một “mặt trận”
(Dân trí) - Sai lầm trong chuẩn bị các yếu tố của bộ hồ sơ, sai lầm trong tư duy xin học bổng/ hỗ trợ tài chính, sai lầm trong cách chọn trường… khiến nhiều học sinh Việt thất bại trong giấc mơ du học Mỹ.
Triển lãm các trường Đại học Top đầu Mỹ và Canada 2019 diễn ra ngày 30/6 tại Hà Nội với sự tư vấn của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm và gần 100 sinh viên ưu tú đến từ các trường đại học top 1-50 của Mỹ đã giúp không ít phụ huynh, học sinh “thức tỉnh”.
Bộ hồ sơ “lệch”, thiếu định hướng tương lai
Thầy Myo Min - đạt điểm chuẩn hóa SAT và GRE nằm trong top 1 % của thế giới, từng nhận học bổng toàn phần vào 5 trường đại học top 20 của Mỹ và tốt nghiệp loại ưu Ðại học Middlebury (top 5 ĐH Liberal Arts Hoa Kỳ), thành viên Hiệp hội tư vấn du học đại học quốc tế với 9 năm kinh nghiệm tư vấn du học chuyên nghiệp, cho biết: Hội đồng tuyển sinh các trường đại học Mỹ/ Canada thường đánh giá hồ sơ một cách tổng thể.
Các thành viên hội đồng sẽ đánh giá cả các yếu tố học thuật (điểm GPA, điểm SAT/ACT – nếu trường yêu cầu, giải thưởng, đánh giá của thầy cô) và cả các yếu tố phi học thuật như bài luận, hoạt động ngoại khóa, tính cách của thí sinh, khả năng chi trả tài chính. Do vậy, học sinh không nên tập trung quá vào một yếu tố nhỏ trong hồ sơ mà không chú ý đến tổng thể.
Với các đại học nhận được số lượng hồ sơ rất lớn, ở vòng lọc hồ sơ “thô” đầu tiên, hội đồng tuyển sinh thường sẽ đánh giá một số chỉ số học thuật, trong đó điểm trung bình học tập GPA trên lớp thường là quan trọng nhất và điểm SAT/ACT, giải thưởng nếu có. Nhiều trường phân loại học sinh theo các thang điểm, ví dụ từ 1 đến 5 (thí sinh lý tưởng -> thí sinh hoàn toàn không phù hợp).
“Có học sinh quá chú trọng vào việc làm thật nhiều dự án ngoại khóa, nhưng nếu điểm số trên lớp hay điểm SAT/ACT không cao thì khả năng lãnh đạo tuyệt vời hay khả năng chơi nhạc xuất sắc cũng khó có thể đưa em vào được các trường Đại học top đầu.
Ngược lại, có em quá chú trọng ôn luyện TOEFL, SAT mà không hề tham gia các hoạt động cộng đồng hay không có đam mê sở thích gì ngoài học tập.
Các em cần trau dồi tích lũy kinh nghiệm, thành tích một cách hài hòa, cân bằng, không nên chỉ chú trọng một phần mà bỏ qua phần còn lại”, thầy Myo nói.
“Chỉ khi thí sinh đáp ứng được các yêu cầu nhất định về học thuật, hội đồng tuyển sinh mới đánh giá kỹ hơn các yếu tố về cá tính, hoạt động ngoại khóa và phần “phi điểm số” mới bắt đầu có giá trị”, thầy Myo Min nhấn mạnh thêm.
Thầy Daniel Friesen, hiện là nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Cornell (top 16 NU, Ivy League), tham gia các dự án nghiên cứu ở Châu Á về phát triển giáo dục từ năm 2016 đến nay, đã nhận định học sinh Việt Nam thường gặp nhiều khó khăn khi viết luận hay phỏng vấn.
Theo thầy, học sinh Việt còn thiếu sự suy nghĩ một cách thấu đáo, chín chắn về bản thân mình cũng như môi trường sống, xã hội quanh mình, Nhiều bạn có hồ sơ học thuật khá hoàn hảo nhưng không có mục tiêu định hướng tương lai rõ ràng, không hiểu biết về các vấn đề xã hội.
"Nếu thí sinh không biết mình là ai và không thể hiện được các giá trị bản thân trong bài luận thì hội đồng tuyển sinh cũng không thể biết về tính cách, mục tiêu và mong muốn của thí sinh là gì, có phù hợp với văn hóa trường họ không", thầy Daniel chia sẻ.
Chẳng hạn về bài luận "Vì sao thí sinh muốn đăng ký vào trường?", thầy Daniel ví dụ rằng nhiều bạn chỉ nêu được chung chung những điểm mình thích ở trường (như có phòng gym đẹp, thư viện lớn, môi trường học tập tốt...) nhưng điều hội đồng tuyển sinh thực sự muốn biết là sinh viên mong muốn đạt được điều gì trong tương lai và với điều kiện và nguồn lực của mình, nhà trường có thể giúp học sinh đó thành công như thế nào. Cần có sự “tương thích” giữa thí sinh đó và mục tiêu đào tạo, văn hóa của trường.
Tư duy sai lầm về xin học bổng và hỗ trợ tài chính
Cô Trần Phương Hoa - tốt nghiệp loại ưu ÐH Middlebury (top 5 Liberal Arts Hoa Kỳ), thành viên Hiệp hội tư vấn du học đại học quốc tế với 12 năm kinh nghiệm tư vấn du học chuyên nghiệp, cho hay, khi đọc nhiều bài báo về học sinh Việt đạt học bổng cao, không ít phụ huynh có quan niệm sai lầm là, ở Mỹ “quá nhiều học bổng” và “con mình giỏi thì cứ xin sẽ được cho”.
Tuy nhiên, những sinh viên được hỗ trợ tài chính ở mức cao thường là những bạn cực kì xuất sắc, hồ sơ đặc biệt và phải chứng minh được gia đình có khó khăn thực sự (nếu xin dạng học bổng “need-based”)
Cô Hoa lấy ví dụ về việc nhiều gia đình Trung Quốc, Hàn Quốc đi du học không xin hỗ trợ tài chính nhưng sẽ cố gắng “đầu tư” để được vào các đại học danh tiếng nhất có thể như Harvard, Johns Hopkins, Stanford, UCLA, UC Berkeley nếu đủ điều kiện về học thuật.
Những trường hàng đầu thường chỉ mong muốn nhận một vài học sinh Việt Nam dưới dạng cấp học bổng. Tuy nhiên, nếu hồ sơ học thuật đủ tiêu chuẩn và học sinh có khả năng tự túc về tài chính càng cao hay tự túc toàn phần, cơ hội được nhận thường sẽ tăng thêm nhất định ở phần lớn các đại học.
Giải đáp câu hỏi “Các hội đồng nghĩ gì khi học sinh xin hỗ trợ tài chính nhiều?”, cô Phương Hoa cho biết, là thành viên Hiệp hội tư vấn du học Đại học quốc tế, cô có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với đại diện nhiều trường đại học hàng đầu thế giới.
“Gần đây, một số đại diện chia sẻ với tôi rằng, họ đôi khi e ngại không biết phụ huynh Việt có trung thực trong kê khai không, khi mà họ đến Việt Nam thì thấy nhà cửa, xe cộ hiện đại, đời sống rất phát triển ở các đô thị lớn.
Có người khai rằng mức lương của tôi rất thấp và chỉ có thể đóng góp 5.000 - 10.000 USD chẳng hạn, nhưng đã từng cho con đi du học hè hay phụ huynh làm việc ở các công ty lớn. Dường như phụ huynh Việt có xu hướng khai khả năng tài chính thấp hơn khả năng thực tế”, cô Hoa kể.
Chuyên gia này nhấn mạnh, niềm tin của hội đồng tuyển sinh rất quan trọng. Chẳng hạn, có bạn trẻ Việt học trung học ở Mỹ đóng 40.000 - 50.000 USD/năm nhưng đến đại học lại khai rằng chỉ đóng được 10.000 - 20.000 USD/năm là điều không hợp lý.
Có khi phụ huynh tư duy rằng, họ đã bỏ tất cả tiền để đóng cho con học trung học ở Mỹ, họ muốn hồ sơ của con tốt để xin học bổng bậc đại học. Còn người Mỹ lại suy nghĩ rằng, nếu bạn đủ tiền cho con đi học ở Mỹ từ sớm thì bạn thường phải lên kế hoạch đủ số tiền để học đại học.
“Mỗi trường có chính sách riêng về hỗ trợ tài chính, nhiều trường chỉ có học bổng cao nhất là X chẳng hạn, hoặc sẽ ưu tiên dành hỗ trợ cho các học sinh nộp hồ sơ vòng sớm. Học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ ”.
Chuyên gia hướng dẫn quy trình xin hỗ trợ tài chính từ các trường đại học Mỹ
Chọn trường sai dễ mất cơ hội đỗ cũng như xin học bổng
Với hơn 12 năm kinh nghiệm tư vấn du học, cô Trần Phương Hoa cho hay, có 5 tiêu chí quan trọng nhất khi chọn trường đại học Mỹ mà phụ huynh học sinh nên xét. Nhiều học sinh không có chiến lược chọn trường hoặc định hướng sai sẽ dẫn đến thất bại.
Tiêu chí đầu tiên, rất thực tế là “khả năng được nhận của học sinh?”. Nhiều học sinh thích trường A, B, C và nộp luôn vào các trường top nhưng các bạn cần phải nghiên cứu kỹ các tiêu chí mà trường yêu cầu là gì và mình có thể đáp ứng các tiêu chí đó không? (điểm số GPA,SAT, giải thưởng, tuýp học sinh thế nào thường được nhận vào trường trong các năm gần nhất… )
"Sai lầm của nhiều người khi vào website trường/ xem trên mạng là chỉ xem các chỉ số điều kiện chung dành cho học sinh Mỹ hay dành cho học sinh quốc tế nói chung.
Mỗi trường chỉ có tỉ lệ % nhất định nhận sinh viên quốc tế (thường dưới 20%). Học sinh Mỹ thông thường cũng được ưu tiên hơn. Chẳng hạn, một học sinh Mỹ 1400 điểm SAT cũng có thể vào trường rồi nhưng học sinh quốc tế nói chung có thể là 1500 điểm, còn học sinh Việt Nam do quá nhiều thí sinh xuất sắc cạnh tranh xin học bổng, trường chỉ lấy 1-2 em thì đôi khi 1500-1580 điểm mới đỗ chẳng hạn”.
Do vậy, các em nên so sánh mình và những thí sinh Việt Nam từng đỗ để xem bản thân có tương đương không, phù hợp không. Cách dự đoán này thường sẽ sát hơn.
Tiêu chí thứ hai là "liệu trường đại học đó có khả năng hỗ trợ học bổng /tài chính ở mức mà thí sinh cần hay không?". Nếu gia đình quyết định đầu tư tài chính cho con đi du học thì câu chuyện dễ dàng hơn rất nhiều, học sinh có thể chọn trường nào cũng được, miễn là đủ điều kiện vào trường.
Nếu gia đình không thể tự túc chi phí hoàn toàn thì phải tìm trong danh sách các trường mình thích và có khả năng được nhận những ngôi trường có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp.
Tuy nhiên, thử thách nằm ở chỗ các trường đại học thường không công bố chính xác mức tài chính nhà trường có thể hỗ trợ mà thường chỉ nêu chung chung là “hỗ trợ tài chính hạn chế cho sinh viên quốc tế”. Học sinh nên tìm hiểu từ những người đi trước từng học trường đó hoặc hỏi ý kiến các chuyên gia có dữ liệu thống kê nhiều năm.
“Ví dụ, nếu học sinh muốn xin hỗ trợ 40.000 USD/năm mà trường chỉ có thể cho 20.000 USD thì hội đồng tuyển sinh thường sẽ từ chối luôn hồ sơ của em đó.
May mắn hơn, có trường sẽ viết thư hỏi lại ứng viên rằng: “em có thể tăng được đóng góp tài chính không, nếu được trường sẽ nhận em”, cô Hoa chia sẻ.
Tiêu chí thứ ba học sinh nên lưu ý là chất lượng học thuật của trường. Có thể tham khảo vị trí xếp hạng chung của trường trong trường trong các bảng xếp hạng uy tín. Song các em cũng không nên bỏ qua xếp hạng ngành học nếu có. Ứng viên nên chọn trường có xếp hạng ngành mà mình dự định theo đuổi cao hơn thay vì chỉ nhìn vào xếp hạng tổng quát của trường.
Vị trí địa lý cũng là tiêu chí không thể bỏ qua. Các trường sẽ nằm ở những vị trí khác nhau từ trung tâm đến ngoại ô xa xôi, hẻo lánh.
Theo bà Hoa, học sinh nên ưu tiên chọn các trường có vị trí thuận lợi cho giao lưu văn hóa, tìm việc thực tập và việc làm, vùng có nhiều doanh nghiệp lớn. Nếu các trường không ở thành phố hay ngoại ô thì vẫn nên tìm hiểu các phương tiện di chuyển đến các thành phố lớn gần nhất có thuận tiện không.
Khi đã cân nhắc cả bốn tiêu chí cơ bản trên, bạn trẻ vẫn nên hỏi thêm các sinh viên Việt Nam đi trước về văn hóa của trường, đời sống sinh viên, môi trường có thân thiện với sinh viên quốc tế không, các hỗ trợ về học tập hay ngành học, nghề nghiệp… để có các quyết định chọn trường tốt nhất.
Lệ Thu