“Sài Gòn màu gì?” qua bài văn giành giải Nhất của nữ sinh lớp 7
(Dân trí) - "Người Sài Gòn cao ngạo - Họ có thể mang đôi giày hàng hiệu, chiếc đồng hồ họ đeo đôi khi hàng trăm triệu đồng. Nhưng cũng thật bình thường khi thấy họ có thể ngồi bệt hàng giờ tán gẫu với cô bán xôi đầu ngõ hay dẫn bà cụ qua đường."
Với nét chữ nắn nót, sạch đẹp, bài Văn “Sài Gòn màu gì” của cô nữ sinh lớp 7 Lê Hà Tường Vy, học sinh lớp 7A3 Trường THCS Hoa Lư (quận 9, TPHCM) đã chạm đến cảm xúc của người đọc về Sài Gòn.
Bài viết của Vy giành giải Nhất khối 6 - 7 cuộc thi “Văn hay chữ tốt 2017” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức với chủ đề “Sắc màu thành phố tôi yêu".
Bài Văn được hoàn thành trong thời gian 130 phút, tính cả thời gian các thí sinh di chuyển để quan sát, trải nghiệm về phố phường. Các em đi xe buýt từ trung tâm thành phố đến khu đô thị mới Thủ Thiêm và về viết bài tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cơ sở 2 ở P. Bình Khánh, Q.2. Trong quá trình làm bài, các em hoàn toàn tự do, muốn viết thì viết, hoặc ra ngoài ngắm, quan sát thành phố…
Tường Vy mở đầu bài viết bằng những vần thơ:
“Tôi thấy một Sài Gòn màu xanh
Qua hàng cây nghiêng mình trong gió
Tôi thấy một Sài Gòn màu nâu
Qua chiếc áo sơ mi đã sờn vai của bác thợ hồ…”
Cô học trò lớp 7 viết về Sài Gòn với màu vàng bóng loáng và cao ngạo và đầy hoàng nhoáng. Hình ảnh về những siêu xe, những chiếc túi hàng hiệu hay những tòa cao ốc hiên ngang… hay sự cao ngạo chỉ vì là “người Sài Gòn”.
Rồi từ dẫn đắt ấy, cô bé 13 tuổi làm người đọc chùng xuống với những quan sát, suy nghĩ hết sức tình cảm và sâu sắc về người Sài Gòn: Họ có thể mang đôi giày hàng hiệu, chiếc đồng hồ họ đeo đôi khi hàng trăm triệu đồng. Nhưng cũng thật bình thường khi thấy họ có thể ngồi bệt hàng giờ tán gẫu với cô bán xôi đầu ngõ hay dẫn bà cụ qua đường.
Cô bé lắng nghe được những tiếng rao của người miền Trung trong các khu chợ, giọng Bắc hòa trong các âm thanh phố phường. Vy viết: Chỉ cần bạn sống dung hòa, con người nơi đây sẵn sàng xem bạn là công dân Sài Gòn và thành phố này sẽ ôm bạn vào lòng như một đứa con của Sài Gòn. Nên ở Sài Gòn, không có người Trung, người Bắc, người Nam, chỉ có những “người Sài Gòn” với nhau thôi….
Vy cũng là trả lời, nếu ai hỏi Sài Gòn màu gì, cô không trả lời được, chỉ có thể nói là “màu Sài Gòn”.
Trao đổi với PV, cô Ngô Thị Hồng Anh, thành viên ban giám khảo cuộc thi cho biết, cầm bài viết của Vy, ấn tượng đầu tiên với cô là nét chữ cứng cáp mà mềm mại, nắn nót nhưng cũng lại phóng khoáng. Chữ em viết đẹp đều từ dòng đầu tiên đến dòng cuối cùng, gợi một cảm nhận thong dong, không vội vã. Em Vy đã làm chủ cây viết của mình.
Đọc bài viết lần thứ nhất, bên cạnh những phân vân về một số chữ dùng khá đặc biệt như "màu vàng bóng loáng", "Sài Gòn cao ngạo" là cảm xúc lạ lùng về một cái nhìn vừa riêng, vừa thấp thoáng đâu đó nhiều cái nhìn khác rất chung mà chúng ta hay nghe về Sài Gòn. Vì điều này, tôi đã phải đọc lại lần hai, lần ba, rồi đọc từng đoạn một, để nghe ra cái nào là cảm nhận của riêng em, cái nào là cảm nhận em tích lũy được từ nghe và đọc... Nhưng thật sự rất khó để tách bạch. Nó đã hòa quyện một cách nhẹ nhàng và mạch lạc trong bài văn, làm nên một nét riêng độc đáo.
Cô Hồng Anh cũng đánh giá, đề năm nay gợi nhiều cảm xúc, lại không giới hạn không gian sáng tạo của các em. Nhờ vậy, giám khảo may mắn gặp được nhiều bài viết hay và thấy được rằng học sinh mình rất sâu sắc và không hề vô cảm.
Xin gửi đến bạn đọc bài văn "Sài Gòn màu gì?" của em Lê Hà Tường Vy:
Nét chữ của Tường Vy trong bài Văn "Sài Gòn màu gì" giành giải Nhất cuộc thi "Văn hãy - Chữ tốt 2017" của TPHCM
Hoài Nam