Sách mới thì đắt, sách cũ ai dùng?
Cùng nằm trong guồng quay tăng giá, sách giáo khoa vừa được công bố tăng gần 17%. Chi phí này là không nhỏ với hơn 15 triệu học sinh cả nước có nhu cầu mua sách trong năm học tới. Trong khi đó, việc tái sử dụng SGK cũ vẫn chưa thực sự là thói quen cần thiết.
Mông lung thu gom sách giáo khoa cũ
Vừa hết năm học 2010-2011, nhìn những cuốn sách giáo khoa (SGK) học kỳ II của con đã qua sử dụng được vài tháng vẫn còn khá mới, chị Phạm Mai Lan, có con học Trường THCS Bế Văn Đàn băn khoăn không biết giữ lại làm gì, cho ai ngoài việc đem bán cho đồng nát. Thực tế, mới ngày 24/5, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn yêu cầu các trường đẩy mạnh phong trào quyên góp và sử dụng SGK cũ trong các nhà trường. Theo đó, học sinh được khuyến khích giữ gìn SGK sạch, đẹp để tặng các em học sinh các lớp dưới, thư viện nhà trường hoặc tủ sách dùng chung để giúp các em học sinh nghèo, học sinh khuyết tật được mượn sách và sử dụng trong các năm học tiếp theo.
Thời điểm thực hiện bắt đầu từ 20/5. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các trường bắt đầu cho học sinh nghỉ hè, nên nhiều học sinh, phụ huynh khi được hỏi đều cho biết chưa thấy nhà trường thông báo về việc thu gom SGK cũ. Điều đáng nói là do các em chưa có ý thức và không được nhắc nhở thường xuyên nên nhất là với cấp tiểu học, THCS, yêu cầu giữ gìn SGK sạch, đẹp qua suốt một năm học là không khả thi. Nhìn những cuốn sách rách bìa, mất gáy, rồi lem mực thậm chí bị viết bừa bãi mới thấy có đem ủng hộ thì cũng không ai sử dụng lại được.
Bên cạnh đó, thực tế, một cán bộ thư viện trường học cho biết, mọi năm có vận động quyên góp trong những dịp ủng hộ đồng bào bão lụt, còn như quyên góp để sử dụng trong nhà trường thì nhiều nơi không thực hiện vì thư viện không có hoặc quá nhỏ, không đủ chỗ để chứa sách. Ông Nguyễn Minh Khang - Phó Tổng giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cũng công nhận rằng nhu cầu dùng SGK cũ ở các thành phố lớn như Hà Nội không nhiều. Tuy nhiên, theo ông Khang, thì việc kêu gọi các em quyên góp SGK cũ để tặng lại cho các bạn khác cũng nhằm giáo dục cho học sinh ý thức tiết kiệm, tương thân tương ái...
Mượn sách sẽ khuyến khích trẻ đến trường
Theo ông Kiều Cao Trinh, Phòng Công tác học sinh-sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội, ngoài các quận nội thành thì hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội vẫn còn có khá nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy, Sở GD-ĐT chỉ đạo, năm học này các trường tiếp tục vận động phong trào đóng góp SGK cũ để đáp ứng nhu cầu của chính học sinh trong trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, cán bộ thư viện Trường tiểu học Lê Lợi, huyện Thường Tín cho biết, năm học vừa qua, nhà trường đã xây dựng được thư viện và tủ sách dùng chung, điều này tạo thuận lợi rất nhiều cho học sinh trong việc mượn SGK dùng chung. “Rất nhiều học sinh trong trường có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu được mượn SGK. Trước đây chưa có tủ sách dùng chung, nhà trường phải trích quỹ của trường để tặng sách, đồng phục... Những cuốn SGK cũ do học sinh quyên góp sẽ được chọn lọc để tìm những bộ sách còn tốt để cho học sinh mượn lại, riêng với sách bài tập, do ở bậc tiểu học các em đều làm vào sách nên nhà trường phải bỏ tiền ra mua mới”. Được biết, Trường tiểu học Lê Lợi hiện có tới 36 em trong diện hộ nghèo cần được hỗ trợ.
“Rất nhiều trường tiểu học thuộc vùng khó khăn, nhiều hộ gia đình làm nghề nông, không có việc làm thêm đồng nghĩa với thu nhập hạn chế, việc các em không phải mua SGK là một lý do để các em được tiếp tục đi học” - bà Hoàng Hương, chuyên viên Phòng GD-ĐT Chương Mỹ cho biết. Các trường như Mỹ Lương, Hoàng Văn Thụ, Đồng Phú ở Chương Mỹ... có rất nhiều học sinh thuộc hộ gia đình nghèo vì vậy nhu cầu mượn SGK cũ khá phổ biến.
Ngoài một số địa bàn khó khăn của Hà Nội, theo ông Kiều Cao Trinh, việc quyên góp SGK cũ chủ yếu nhằm đóng góp cho học sinh nghèo các tỉnh. Nói về những nơi quyên góp được nhưng lại không có nhu cầu sử dụng, ông Trinh cho biết, Sở chưa có thống kê về việc quyên góp và sử dụng SGK cũ. Tuy nhiên, sau tháng 9, khi đã có số liệu và báo cáo của các trường thì hoạt động này có thể sẽ phải điều chỉnh để đem lại hiệu quả thực sự, đến được đúng nơi có nhu cầu thực.