Sách giáo khoa trải nghiệm chấm dứt đánh giá học sinh kiểu “dán nhãn”?
(Dân trí) - Từ năm học 2020-2021, học sinh tiểu học sẽ tiếp cận với sách giáo khoa (SGK) trải nghiệm và bắt buộc tham gia hoạt động này trong thời khoá biểu hàng tuần. Vậy có điều gì khác biệt trong những cuốn SGK trải nghiệm?
Giúp hình thành 3 năng lực cơ bản của học sinh
Học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 sẽ lần đầu tiên học Hoạt động trải nghiệm như môn bắt buộc, có SGK riêng.
Chia sẻ tại buổi giới thiệu bộ sách lớp 1 mới chiều 19/12 tại Hà Nội, đại diện công ty cổ phần phát hành sách giáo dục (NXB Giáo dục Việt Nam) cho biết, đơn vị này có hai cuốn SGK trải nghiệm vượt qua vòng thẩm định, được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.
Nói về cuốn SGK trải nghiệm do mình chủ biên cùng một số tác giả, PGS Đinh Thị Kim Thoa cho biết, cuốn sách Hoạt động trải nghiệm sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hình thành ba năng lực cơ bản của học sinh gồm: thích ứng với cuộc sống, thiết kế và tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.
Cụ thể, cuốn SGK trải nghiệm của bà gồm 9 chủ đề. Mỗi chủ đề bắt đầu với tên, tranh chủ đề và tiếp theo là những nhiệm vụ mà các em phải chuẩn bị và thực hiện trước khi đến lớp hoặc ở lớp để có hoạt động hiệu quả hơn trong các giờ sinh hoạt dưới cờ, hoạt động giáo dục theo chủ đề và giờ sinh hoạt lớp.
Cuốn Hoạt động trải nghiệm lớp 1 do bà Thoa là chủ biên sẽ xây dựng hoạt động cho học sinh rèn luyện thường xuyên trên lớp, ở nhà, trong cộng đồng; thống nhất nội dung sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ, chủ đề rèn luyện thường xuyên; tích hợp nội dung giáo dục địa phương, công tác Đội. Điều này giúp giáo viên dễ dàng hơn trong việc tổ chức hoạt động theo đúng chu trình trải nghiệm để đạt được mục tiêu.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Thoa cho hay, từ năm 2015 nhóm đã biên soạn tài liệu tham khảo liên quan đến hoạt động trải nghiệm.
Năm 2016, tài liệu này được áp dụng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Cần Thơ..., và nhận được phản hồi tích cực từ phía giáo viên, học sinh.
Từ tài liệu này, nhóm đã khảo sát, rút kinh nghiệm để cho ra SGK trải nghiệm hiện nay.
Cuốn SGK trải nghiệm thứ hai của đơn vị này cũng vượt qua vòng thẩm định và được Bộ trưởng phê duyệt do chuyên gia Bùi Ngọc Diệp và Phó Đức Hòa đồng chủ biên cùng một số tác giả khác.
Theo ông Phó Đức Hòa, cuốn SGK của ông cũng thiết kế theo 9 chủ đề. Trong đó, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp vào một số chủ đề.
Sách được thiết kế để các em có thể hoạt động và tăng cường sự hợp tác với thầy cô, bạn bè, gia đình.
Cải thiện tình trạng “cưỡi ngựa xem hoa”
Theo bà Thoa, khi Hoạt động trải nghiệm là bắt buộc, SGK là cần thiết để hỗ trợ giáo viên và học sinh. "Trước đây, giáo viên loay hoay không biết làm gì và làm như thế nào với học sinh ở các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì bộ sách Hoạt động trải nghiệm với cuốn dành cho giáo viên và học sinh sẽ cứu cánh", bà Thoa nói.
Theo đó, SGK trải nghiệm đem đến cách đánh giá khác đối với học sinh. “Hiện nhiều giáo viên đánh giá học sinh theo kiểu dán nhãn, nói "con hư" hay "con không thông minh".
Trong sách Hoạt động trải nghiệm dành cho giáo viên, nhóm biên soạn hướng dẫn thầy cô cách đánh giá sao cho nhân văn. "Học sinh còn nhỏ, có quyền sai lầm và người lớn không được dùng sai lầm của trẻ để dán nhãn. Làm vậy là kìm hãm sự phát triển của trẻ", bà Thoa nhấn mạnh.
Đánh giá về thực trạng dạy/học trải nghiệm hiện nay trong nhà trường, bà Thoa cho hay, ở chương trình hiện hành, hoạt động ngoài giờ không được sắp xếp tiết theo tuần mà theo tháng.
Mỗi tháng học sinh chỉ học chủ đề một lần, "không khác gì cưỡi ngựa xem hoa và không thể giúp trẻ hình thành các kỹ năng".
Thực tế cũng cho thấy, nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp không giúp ích 100% học sinh trong trường mà chỉ giúp cho một nhóm nào đó biết nắm bắt cơ hội. Những em nhút nhát có thể tham gia cho có hoặc không cũng không sao vì hoạt động này không phải bắt buộc.
Từ điểm yếu đó, khi xây dựng chương trình mới, bà Thoa và nhóm biên soạn đã cố gắng để hoạt động trải nghiệm là bắt buộc, được coi như một môn học nhằm buộc các nhà trường thực hiện nghiêm túc, từ đó hình thành thói quen, kỹ năng, phẩm chất cho học sinh.
Mỹ Hà