Rộn ràng tranh tài năng khiếu
(Dân trí) - Trường ĐH Văn hóa TPHCM vừa tổ chức thi năng khiếu đối với hai chuyên ngành là Quản lý hoạt động âm nhạc và Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật, thuộc ngành Quản lý văn hóa. Mỗi thí sinh mỗi vẻ khác nhau người vừa váy áo xúng xính nhẹ nhàng, người thì giản dị với độc chiếc đàn, cây sáo đến thi tài...
Ths Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Văn hóa TPHCM phấn khởi cho biết năm nay có đến 88 thí sinh đăng ký dự thi năng khiếu nghệ thuật, gấp 3 lần so với năm ngoái. Tổng chỉ tiêu của ngành Quản lý văn hóa năm nay là 200 riêng hai chuyên ngành là Quản lý hoạt động âm nhạc và Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật điều kiện phải thi năng khiếu nghệ thuật. Bên cạnh đó, hai chuyên ngành này cũng xét tuyển điểm của tổ hợp 3 môn: Ngữ văn - năng khiếu nghệ thuật và một trong các môn Lịch sử, Toán, Tiếng Anh, Địa lý.
Nhà trường tổ chức thi tuyển môn năng khiếu trong vòng 3 buổi, với nội dung là trình diễn một tiết mục nghệ thuật tự chọn (hát, đàn, múa, diễn kịch, thuyết trình...). Điểm thi môn năng khiếu nghệ thuật phải từ 5,0 trở lên.
Khác với các thí sinh thi năng khiếu hát, múa vào ngành sư phạm, thí sinh thi vào trường ĐH Văn hóa TPHCM không chỉ biểu diễn trước cán bộ chấm thi mà còn khá đông “khán giả” - là những thí sinh thi cùng buổi. Dù vậy, không ít thí sinh vẫn tự tin thể hiện bài thi của mình.
Nhiều thí sinh thể hiện được những tố chất về năng khiếu nghệ thuật, chuẩn bị chu đáo và công phu, cả về nội dung, hình thức dự thi và đạo cụ để trình diễn. Bên cạnh đó có không ít thí sinh ở tỉnh dù chưa qua trường lớp nhưng cũng thể hiện được tố chất và niềm đam mê đến với nghệ thuật.
Trong phòng thi, ngoài ban giám khảo còn có đông “khán giả”
Bên cạnh phần trình diễn năng khiếu nghệ thuật tự chọn, các thí sinh khi được ban giám khảo chấm thi hỏi thêm về quá trình chọn ngành nghề, kiến thức nghệ thuật và vừa khơi gợi, định hướng cho thí sinh bộc lộ khả năng của mình.
Nhiều thí sinh chuẩn bị chu đáo từ trang phục đến dàn dựng tiết mục
Mỗi phần thi của các thí sinh đều được nhà trường ghi hình lại. Ths Nguyễn Thanh Tùng lí giải rằng quy chế thi của Bộ GD-ĐT không quy định việc phúc khảo đối với môn thi năng khiếu tuy nhiên nhà trường vẫn quyết định vẫn có phúc khảo. Việc ghi hình nhằm để phòng trường hợp thí sinh có ý kiến về kết quả thi của mình, lúc đó Hội đồng tuyển sinh sẽ tiến hành mở băng ghi hình để phân tích cho thí sinh hiểu.
Ngoài chấm thi, ban giám khảo đặt câu hỏi đề khơi gợi cho thí sinh bộc lộ hết khả năng của mình
Thí sinh này cho biết mình đam mê múa và năm ngoái đã thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nhưng không được gia đình đồng ý. Năm nay cô quyết tâm thi múa vào ngành Tổ chức sự kiện.
Một nam thí sinh thi hát
Hai nữ thí sinh Mỹ Duyên và Phương Thảo học cùng trường THPT ở Bình Thuận cùng dàn dựng màn múa hiện đại của mình
Với đam mê trở thành người tổ chức sự kiện nghệ thuật, hai em lặn lội vào Sài Gòn trước ngày thi mấy ngày. Dù không được học bài bản nhưng màn biểu diễn được giám khảo đánh giá cao.
Thí sinh thi năng khiếu muốn vào hai chuyên ngành Quản lý hoạt động âm nhạc và Tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật phải đạt 5 điểm trở lên mới được xét tuyển
Lê Phương
Ảnh: Nguyễn Quang