Rắc rối khi trẻ tiểu học xài "dế"
(Dân trí)- Bị cô giáo phát hiện làm toán bằng cách... bấm máy tính trong điện thoại, bé Bi “dính lỗi” vi phạm quy định học sinh không được sử dụng điện thoại. Chỉ vì cái lợi trước mắt, chị Thương đã đẩy cô con gái bé bỏng của mình thành kẻ nói dối cùng nhiều hệ lụy…
Thấy con mình nhanh nhẹn hơn bạn bè cùng tuổi, mới 7 tuổi đã thuần thục với điện thoại di động (ĐTDĐ), thêm giờ giấc công việc thất thường của vợ chồng nên chị Thương (ngụ ở phường 4, quận Tân Bình, TPHCM) quyết định sắm cho con một chiếc ĐTDĐ để con tiện liên lạc, thông báo sau mỗi giờ tan trường.
Biết trường cấm học sinh sử dụng ĐTDĐ nên khi quyết định như vậy, chị đành theo lao “bày chiêu” cho con để “qua mặt” giáo viên như chỉ dùng khi không có mặt thầy cô, không được khoe với bạn bè, ĐTDĐ để chế độ câm…
Sau gần ba tháng cho con gái dùng ĐTDĐ, chị thấy việc đưa đón cháu thuận tiện hơn nhiều, con không phải vật vờ chờ trước cổng trường mà bố mẹ cũng chủ động trong công việc hơn trước. Thế nhưng đến đầu tuần vừa rồi, giáo viên chủ nhiệm gọi chị lên trường vì việc phát hiện bé Bi chơi trò chơi điện tử trong máy ĐTDĐ ngay trong giờ học và rủ rê các bạn khác chơi. Việc học hành của cháu cũng bị sa sút vì bé mê chơi điện tử, các bài toán cộng từ bé không làm trên giấy mà lén lút bấm ĐTDĐ và cho ra luôn kết quả.
Chị Thương “tỉnh ngộ” nhận lỗi và thấy may mắn khi cô giáo phát hiện kịp thời để mẹ con chị cùng sửa sai. Thế nhưng việc cai “dế” cho con không dễ dàng khi bé nhất quyết không đi học nếu không có ĐTDĐ. Rời ĐTDĐ, cháu trở nên khó khăn trong các bài tập cộng từ đơn giản. Phải một thời gian dài “vật lộn” với đủ cách, tốn nhiều công sức vợ chồng chị mới “giãn” được cháu ra với “dế” nhưng về nhà vẫn phải để cháu “bấm bấm” nếu không cháu sẽ “ăn vạ”.
Ở nhà làm nội trợ nên chị Ngọc Anh, ở quận 3, TPHCM chỉ có cách kiểm soát chồng bằng ĐTDĐ. Đó cũng là nguyên nhân chị sớm dạy cho cậu con trai 5 tuổi dùng ĐTDĐ để “hỗ trợ” chị “trói” ông xã. Mới đầu, anh Tưởng - chồng chị Anh còn tự hào với mọi người con mình tiếp thu công nghệ nhanh, tiềm năng sẽ trở thành… kỹ sư điện tử.
Thế nhưng, sau đó là những rắc rối mà anh không lường được hết. Trước nay, biết vợ gọi, anh Tưởng chồng chị có thể nhiều khi không nghe máy nhưng từ hôm con trai gọi “cầm máy” anh không thể làm ngơ. Nhiều hôm, những cuộc họp quan trọng của anh bị cắt ngang vì cuộc gọi của con trai và cháu mè nheo không cho anh cúp máy. Ngoài những câu hỏi trên trời dưới đất, cháu còn bắt anh hát, kể chuyện… nếu không thì đòi bỏ ăn, bỏ ngủ.
Chẳng những vậy, cháu bị “nhiễm” ĐTDĐ đến mức về nhà không chịu “nói chuyện trực tiếp” với bố mà chỉ… giao tiếp qua ĐTDĐ. Suốt ngày, cháu chỉ tìm ĐTDĐ và bấm loạn xạ vào danh bạ gọi đến quấy nhiễu không biết bao nhiêu đồng nghiệp, người quen. Cũng vì chuyện con dùng ĐTDĐ mà vợ chồng anh liên tục cãi vã, không khí lúc nào cũng căng thẳng.
Thực tế, hiện nay không ít phụ huynh tạo điều kiện cho con mình dùng ĐTDĐ, rất nhiều em học sinh tiểu học đã "bỏ túi" ĐTDĐ đến lớp. Không ít giáo viên phàn nàn nhưng phụ huynh lý lẽ rằng để tiện liên lạc, nhất là trong việc đưa đón. Thực tế, tại phòng bảo vệ luôn có điện thoại bàn cho các em sử dụng khi cần gọi cho bố mẹ.
Việc bố mẹ cho trẻ dùng ĐTDĐ quá sớm mà không có định hướng cho con sử dụng đúng mục đích rất dễ gây ra nhiều hệ lụy. Nhất là dễ tạo cho trẻ thói quen quấy nhiễu người khác. Vì thế, trước khi có quyết định để trẻ tiếp xúc với công cụ này, phụ huynh cần đảm bảo con mình sử dụng hợp lý và trong tầm kiểm soát của mình. Hãy hướng con dùng ĐTDĐ vào những lúc cần thiết phải liên lạc với người thân và tính hữu ích của ĐTDĐ là phương tiện để hỏi thăm ông bà, họ hàng. Bố mẹ cũng cần uốn nắn cách giao tiếp, lời ăn tiếng nói cho trẻ qua cách nói chuyện qua điện thoại.
Hoài Nam