Ra mắt chương trình “Đồng hành cùng HS-SV trong mùa Covid-19”
(Dân trí) - Chương trình nhằm kịp thời tư vấn, hỗ trợ chuyên sâu về các vấn đề, nhu cầu cấp thiết của HS-SV, các bậc phụ huynh trong và sau thời gian học ở nhà dài ngày để phòng chống dịch Covid-19.
Chương trình “Đồng hành cùng HSSV trong mùa Covid-19” ra mắt ngày 13/4 trên Fanpage "Học sinh, sinh viên Việt Nam".
Các nhóm chủ đề được hỗ trợ bao gồm: Phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe; Kỹ năng học tập trực tuyến qua internet, trên truyền hình, cách khắc phục khó khăn về công nghệ…
Với nhóm đề thi, tuyển sinh, các chuyên gia sẽ tư vấn phương pháp ôn thi, hướng nghiệp…
Chủ đề rèn luyện kỹ năng sẽ xoay quanh các nội dung: Giảm cô đơn, buồn chán trong giai đoạn cách ly xã hội, quản lý stress, tự chăm sóc bản thân, tự học, ứng xử trên môi trường mạng, tư suy tích cực, quản lý thời gian, thói quen lành mạnh, kỹ năng xác định mục tiêu, mâu thuẫn,
Đặc biệt, chương trình cũng sẽ hướng dẫn HS-SV sử dụng Internet, mạng xã hội an toàn và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng. Đồng thời, khuyến khích HS-SV xây dựng video clip, chia sẻ kinh nghiệm khi học tập, vui chơi ở nhà.
Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ GDCTHSSV (Bộ GD&ĐT), chương trình “Đồng hành cùng HS-SV trong mùa COVID-19” sẽ kịp thời tư vấn, hỗ trợ HS-SV tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong học tập, rèn luyện và trong các mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội.
Tâm lý lạc quan, vui, khỏe sẽ giúp phòng ngừa, ngăn chặn những tác động tiêu cực đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của HSSV và phòng, chống bạo lực, bắt nạt trẻ em trên môi trường mạng.
Chương trình “Đồng hành cùng HSSV trong mùa COVID-19” do Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) tổ chức, với sự hỗ trợ của UNICEF.
Giai đoạn đầu dự kiến diễn ra từ 13/4 đến 22/5 và tiếp tục triển khai lâu dài phục vụ HS-SV với các buổi tư vấn trực tuyến cùng chuyên gia, video, blog, Infographic qua địa chỉ: (http//:www.facebook.com/cthssvvn).
Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội), những tổn thương sức khỏe tinh thần do bị “cắt” khỏi những hoạt động ý nghĩa thường làm hằng ngày như giao tiếp, làm thêm… có thể khiến HSSV mất phương hướng, thay đổi thói quen, cảm thấy tù túng, bất an, mất ngủ, nhiễm bệnh…
Tại chương trình, chuyên gia tâm lý đã đưa ra những hướng dẫn để HS-SV có thể nhận diện những dấu hiệu lo âu trong giai đoạn này, cũng gợi ý cách thức cân bằng tâm lý, ứng phó với những cảm xúc tiêu cực trong giai đoạn này.
PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, hiện có rất nhiều thông tin trên mạng khiến các em khó phân biệt được tin đúng hay sai.
Bởi vậy, thông tin trên mạng xã hội các em chỉ nên đọc để biết và phải sử dụng năng lực phê phán nhằm phân biệt được thông tin đúng hay sai.
Ngoài ra, các em cũng nên lựa chọn một số kênh uy tín, chính thống để tiếp cận được thông tin chính xác nhất.
M. Hà