Quốc tế đánh giá cao mô hình giáo dục cho trẻ khó khăn Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Hội nghị lần thứ 2 về tài trợ toàn cầu cho giáo dục diễn ra từ ngày 25-28/6 tại Brussels với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu đến từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận dẫn đầu.
Hội nghị do Tổ chức Giáo dục toàn cầu (GPE) phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tổ chức nhằm mục đích huy động đóng góp của các nhà tài trợ toàn cầu để thiết lập hệ thống tài chính cho giáo dục giai đoạn 2015-2018 và cung cấp một nền giáo dục chất lượng cho tất cả mọi người.
Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn cán bộ Việt Nam trao đổi với các đối tác nước ngoài tại Hội nghị tài trợ toàn cầu cho giáo dục tại Brussels. (Ảnh : Hương Giang/Vietnam+)
Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị sáng 26/6, Tổng giám đốc Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa hoạc của Liên hiệp quốc (UNESCO) Irina Bokova nhấn mạnh UNESCO tập trung xây dựng một nền giáo dục “mọi người đều được học tập và học tập suốt đời” đồng thời mở rộng cơ hội học tập cho trẻ em gái ở các nước kém phát triển.
Bà Irina Bokova cũng kêu gọi các nhà tài trợ cũng như các quốc gia đóng góp nhiều hơn nữa cho giáo dục để đảm bảo giáo dục sẽ đến với tất cả mọi người.
Tại diễn đàn, Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia châu Phi đã khẳng định cam kết tăng cường ngân sách cho giáo dục nhằm giảm tỷ lệ mù chữ, tăng cường giáo dục cho trẻ em gái.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết mục đích của Việt Nam tham dự hội nghị là tranh thủ các nguồn lực, sự giúp đỡ của các quốc gia có kinh nghiệm để đẩy nhanh quá trình đổi mới căn bản giáo dục.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh Việt Nam cam kết tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục, với trọng tâm là kết quả học tập và củng cố chất lượng giáo viên, đảm bảo bình đẳng giới trong giáo dục.
Việt Nam cũng cam kết tài trợ cho giáo dục trong trường hợp khẩn cấp, nâng cao chất lượng của các cơ sở dữ liệu giáo dục của quốc gia nhằm đảm bảo sự đầy đủ, chính xác, minh bạch và có thể giải trình được và sẽ dành một khoản kinh phí thường xuyên để duy trì Hệ thống thông tin quản lý giáo dục.
Nhân dịp này, các quốc gia tham dự hội nghị đã giới thiệu những thành tựu của mình trong giáo dục. Đặc biệt dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (GPE-VNEN) đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Giám đốc dự án Mô hình trường học mới, sau 3 năm triển khai mô hình này tại Việt Nam, dự án đã tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học có chất lượng bằng cách thay đổi phương pháp dạy học, tổ chức lớp học để học sinh biết cách học độc lập, sáng tạo, phát triển kỹ năng xử lý, giải quyết vấn đề, trở thành công dân tốt trong tương lai.
Với nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới, dự án GPE-VNEN đã được triển khai tại 1.447 trường, đã mở rộng thành công tới 300 trường nữa bằng Ngân sách nhà nước và sẽ được mở rộng tới 600 trường nữa.
Trong khuôn khổ hội nghị, Ủy viên châu Âu phụ trách phát triển Andris Piebalgs đã công bố gói tài trợ mới của EU trị giá 375 triệu euro (510 triệu USD) giúp đảm bảo một nền giáo dục cơ bản trong gần 60 quốc gia có quan hệ với GPE.
Ông Andris Piebalgs đã cam kết dành ít nhất 20% viện trợ phát triển của EU cho phát triển con người và hòa nhập xã hội, trong đó có giáo dục.
Tổng ngân sách của EU đối với giáo dục ở các nước phát triển dự kiến sẽ đạt 4,5 tỷ euro trong giai đoạn 2014-2020, trong đó 2,8 tỷ euro cho giáo dục cơ bản và chuyên nghiệp và 1,68 tỷ euro cho chương trình giáo dục đại học.
Theo Vietnam+