Quốc tế bàn xếp hạng đại học Việt
Hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH thành viên (CONFRASIE) của Tổ chức ĐH Pháp Ngữ (AUF) khu vực Châu Á Thái Bình Dương diễn ra chiều 2/10 tại Hà Nội. Số đông đại biểu nhận định, Việt Nam chưa có trường ĐH nào đạt đẳng cấp quốc tế.
Mỗi trường phải tự xác định thế mạnh
Mở màn cho cuộc trao đổi, ông Michel Troquet - Chủ tịch Hội đồng khoa học AUF cho rằng: “Xếp hạng các trường ĐH phải dựa vào những góc độ cụ thể để đưa ra những ý tưởng đổi mới. Một câu hỏi đặt ra ở đây: Xếp hạng ĐH có phải là cạnh tranh hay hợp tác lẫn nhau?”
Theo ông Michel Troquet, Bộ Đại học của Pháp đã có nhiều văn bản đề cập đến bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (một trong số ít bảng xếp hạng được giới chuyên môn đánh giá có uy tín) - từ đó đưa ra đường hướng phát triển cho các trường. Chính phủ đầu tư tập trung vào 10 trường ĐH hàng đầu để có thể cạnh tranh với thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá cao sự giúp đỡ, hỗ trợ của AUF cho các nước và với riêng Việt Nam. |
Khó khăn lớn nhất đối với các nước là làm sao đưa những trường ĐH của mình lọt vào top 500 trên tổng số 17.000 trường mà ĐH Giao thông Thượng Hải tổ chức xếp hạng.
Muốn như vậy phải làm sao xếp hạng các trường ĐH cùng một mô hình, Pháp vẫn thường làm điều này với các mô hình như kỹ sư hay thương mại. Thêm nữa các tiêu chí định ra phải rõ ràng, phải định ra được các tiêu chí chính...
Một điểm thú vị được vị Chủ tịch chia sẻ là ở Pháp sinh viên cũng được xếp hạng hàng năm dựa trên các tiêu chí chất lượng đời sống cũng như đào tạo kéo theo đó là vai trò của trường ĐH.
Tuy nhiên, một bảng xếp hạng chung và duy nhất với các tiêu chí để xếp hạng trường ĐH theo ông Michel Troquet không phải lý tưởng vì mô hình các trường ĐH hết sức phong phú. “Nhưng trước hết mỗi trường phải tự đánh giá được thế mạnh và điểm yếu của mình để cải tiến chu trình giảng dạy và đào tạo”.
Ý kiến khác cho rằng: “Có những tiêu chí có thể đong đếm được nhưng còn những tiêu chí liên quan đến đời sống, khoa học chính xác khác khoa học nhân văn. Đạo đức, trách nhiệm của người được đào tạo có được xếp hạng? Hay giờ chỉ có tiêu chí đánh giá các công trình xuất bản, cuốn sách nghiên cứu bằng tiếng Anh. Nhưng còn tiếng Trung, Việt, Nga,…cũng rất phong phú”.
Nên "chấm điểm" mức độ tín nhiệm?
Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen Bùi Trân Phượng đề cập về một “cuộc cải cách lâu dài” và nên thúc đẩy các trường ĐH đang có để trở thành ĐH đẳng cấp hay xây trường mới với các tiêu chí để đạt đẳng cấp?.
Chủ tịch CONFRASIE cho rằng, Việt Nam nên tập trung cải thiện chất lượng trường ĐH đang có.
“Liệu Việt Nam có muốn tạo áp lực cho ĐH để họ vượt lên? Như vậy sẽ có một số trường tụt hạng, tạo sự chênh lệch đẳng cấp. Liệu người tuyển dụng sẽ nghĩ gì với sinh viên học các trường ĐH địa phương như thế?” - bà Sackona đặt câu hỏi.
Theo bà Phượng: “Đánh giá mức độ tín nhiệm hay hơn là có những tiêu chí xác định hoặc có thể đo đếm”. Từ kinh nghiệm quản lí, bà cho rằng - trường quan tâm hơn đến cơ hội việc làm của sinh viên khi ra trường hay hoàn thành nhiệm vụ mà xã hội đang mong đợi được bao nhiêu. Từ đó, trường tự đặt ra nhiệm vụ cho từng giai đoạn.
Với kinh nghiệm làm Hiệu trưởng trường ĐH ở Canada, chủ tịch AUF chia sẻ: “Giáo dục ở Canada từ tiểu học đến ĐH do các tỉnh làm, ít chịu sự tác động của Chính phủ hay Bộ GD-ĐT như nhiều nước vẫn làm. Việc đánh giá nhu cầu nhân lực của từng địa phương được làm thường xuyên để định hướng đào tạo cho các trường. Về tài chính: trường có cơ chế tự chủ lớn, 30-35% ngân sách do Nhà nước cấp, còn lại trường phải tự tìm kiếm.
Vấn đề tự đánh giá, kiểm tra chất lượng được làm chặt chẽ và cơ chế quản lí minh bạch. Chính quyền ít khi phải can thiệp. Chúng tôi có khái niệm tự đánh giá mình và không nhất thiết phải đánh giá theo tiêu chí của chính phủ mà dựa vào tiêu chí của các doanh nghiệp”.