Quê mẹ gọi về
“Trong một lần về nước dự hội thảo, tôi có buổi nói chuyện với sinh viên và khuyên các em nếu có điều kiện nên du học để sau này trở về phục vụ đất nước. Khi ấy, tôi giật mình khi một sinh viên hỏi lại: “Sao thầy không về?”
Câu hỏi của em sinh viên kia cứ ám ảnh tôi” - Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên (SN 1968), người đã có 6 năm làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), tâm sự về con đường trở về sau 30 năm xa quê hương.
Từ bỏ vinh hoa
Tốt nghiệp Trường The Catholic University of America năm 1990, Nguyễn Đình Uyên tiếp tục theo học thạc sĩ rồi làm luận án tiến sĩ ngành điện tử viễn thông, giữ chức giám đốc chương trình quốc tế châu Á trường ĐH này.
Nguyễn Đình Uyên cũng đảm nhiệm công việc của một kỹ sư điện tử tại NASA từ năm 1989 - 1995, tư vấn cho Bộ Quốc phòng Mỹ về kỹ thuật viễn thông và ăng-ten từ năm 1995 - 2008. Những phần mềm mà TS Nguyễn Đình Uyên thực hiện cùng cộng sự như Hubble Telescope, Raytheon, L3, Titan... đã được hai cơ quan này ứng dụng.
Vị trí công việc đã có là ước mơ của nhiều người, thế nhưng TS. Nguyễn Đình Uyên vẫn quyết định từ bỏ để về hẳn quê hương giữa năm 2008 và đảm nhận một công việc rất bình dị: Giảng viên của Khoa Điện tử - Viễn thông Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM.
“Trình độ kỹ thuật công nghệ của nước ta còn thấp so với các nước khác, tôi muốn đem kiến thức và kinh nghiệm của mình truyền đạt cho sinh viên và tìm kiếm những cơ hội học bổng để đưa sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học” - TS. Uyên nói.
Mới về nước hơn 2 tháng nay, nhà khoa học trẻ tuổi từng vinh dự nhận Giải thưởng Henri Chrétien năm 2007 của Hội Thiên văn Mỹ - TS. Phan Bảo Ngọc (SN 1975) rất phấn khởi vì mong muốn được về Việt Nam làm việc đã trở thành hiện thực.
Mới đây, với tư cách trưởng nhóm nghiên cứu, TS. Phan Bảo Ngọc cùng các cộng sự đến từ ĐH Harvard, Viện Thiên văn Đài Loan và Tây Ban Nha đã lần đầu tiên quan sát được hiện tượng giải phóng phân tử carbon monoxide của sao lùn nâu bằng hệ thống kính thiên văn radio đặt tại đỉnh núi Mauna Kea, Hawaii (Mỹ).
Khám phá này gây ngạc nhiên lớn trong cộng đồng thiên văn vật lý thế giới vì nó cung cấp một bằng chứng hùng hồn cho thấy sao lùn nâu được hình thành như các sao có khối lượng lớn hơn, điều mà các nhà thiên văn vẫn tranh cãi trước đây.
Thế nhưng, vượt qua mọi níu kéo, nhà khoa học Phan Bảo Ngọc đã quyết định trở về công tác tại Bộ môn Vật lý Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM.
Là một trong số những người Việt đầu tiên tham gia nghiên cứu cùng các chuyên gia nước ngoài tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH Oxford (Anh), TS. Nguyễn Thị Huệ (SN 1973) đã có 9 năm công tác tại trung tâm này và tham gia thực hiện những đề tài nghiên cứu đột phá về công nghệ sinh học như khám phá gien nhạy cảm với bệnh thương hàn, sự kháng thuốc của các dòng HIV, gien liên quan với lao màng não...
Dù điều kiện nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài rất thuận lợi nhưng TS. Nguyễn Thị Huệ vẫn quyết trở về làm việc tại ĐH Quốc gia TPHCM (giảng viên Khoa Công nghệ Sinh học - Trường ĐH Quốc tế). Chị cho rằng nếu cứ làm ở nước ngoài thì công sức của mình bỏ ra rốt cuộc chỉ mang tên nước ngoài, trong khi nước mình đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ sinh học.
Chấp nhận thách thức
Đối với những nhà khoa học trẻ tâm huyết này, khi quyết định trở về, họ đã lường trước được những khó khăn. TS. Phan Bảo Ngọc cho biết: “Chắc chắn khi về nước, điều kiện làm việc sẽ bị hạn chế nhưng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu bằng cách giữ các mối liên hệ với các trung tâm thiên văn trên thế giới để cùng chia sẻ dữ liệu”.
TS. Nguyễn Thị Huệ cũng cho biết hiện vẫn còn thiếu trang thiết bị và phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho nghiên cứu sâu về công nghệ sinh học. Tuy nhiên, đã quyết về thì phải chấp nhận những thiếu thốn này và khắc phục bằng cách làm việc nhiều hơn, sáng tạo hơn.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Huệ, có một thực trạng ở Việt Nam dễ làm cho người nghiên cứu chây lười, đó là từ đề tài báo cáo đến hiện thực rất xa vời vì không có kinh phí thực hiện, mà không thực hiện kịp thời thì đề tài sẽ trở nên lạc hậu. Với TS. Nguyễn Đình Uyên, điều đáng lo là ở Việt Nam, nhiều người chưa quen chấp nhận sự thất bại. Do vậy, người làm công tác nghiên cứu lúc nào cũng chịu sức ép phải nghiên cứu thành công, trong khi thực tế là phải trải qua thất bại mới có thể sáng tạo được cái mới. Bên cạnh đó, hiện giảng viên tại các trường ĐH chỉ chú trọng việc giảng dạy chứ chưa được đầu tư cho công tác nghiên cứu nên giảng viên muốn nâng cao nghề nghiệp phải tự mày mò nghiên cứu, trong khi quỹ thời gian cho công việc này lại rất eo hẹp...
Không hối tiếc
TS. Nguyễn Đình Uyên đã đưa vợ con trở về Việt Nam sinh sống và hiện đang ở trọ nhà bà con tại TPHCM.
|
Theo Thùy Vinh
Người Lao Động