Quảng Nam: Người người làm khuyến học

(Dân trí) - Thành lập trước Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam 5 năm và chỉ trong vòng 10 năm đã cấp phát 37 tỷ đồng học bổng là những con số ấn tượng về Hội Khuyến học tỉnh Quảng Nam.

Người người làm khuyến học

 

Năm 2008 này, trong khi Trung ương Hội Khuyến học (KH) Việt Nam kỉ niệm 12 năm thành lập thì Hội KH Quảng Nam đã tổ chức kỉ niệm 17 năm. Bởi lẽ, tháng 10/1991, Hội KH Quảng Nam đã được thành lập, “già” hơn 5 tuổi so với Trung ương Hội KH Việt Nam!

 

Một số cán bộ làm công tác KH cho biết, trước khi Trung ương Hội KH Việt Nam được thành lập, nhiều đoàn của trung ương đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Quảng Nam. Vì vậy, có thể nói hoạt động của Hội KH Quảng Nam ít nhiều đã có sự tác động không nhỏ đến quá trình xây dựng và phát triển của Hội KH Việt Nam.

 

Từ chỗ chỉ có vài huyện, thị hội, vài chục tổ chức cơ sở hội với khoảng 5 nghìn hội viên vào năm 1991, hiện tại Hội KH Quảng Nam là một tổ chức xã hội rộng lớn gồm 18 hội KH huyện, thành phố, 231 xã, phường, thị trấn, 522 chi hội trường học, 1.130 chi hội thôn, khối phố, 226 cơ quan, 981 tộc, họ; 200 chi hội tổ đoàn kết. Ngoài ra, hội đồng hương Quảng Nam tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thanhỳ lập hội KH, hàng năm trao cả trăm triệu đồng học bổng.

 

Không chỉ ở đồng bằng, vùng thuận lợi, tổ chức KH còn hiện diện ở cả các vùng núi, vùng khó khăn của tỉnh. Nhiều xã, thôn của các huyện miền núi như Đông Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang đã hình thành tổ chưc hội và hoạt động khá hiệu quả.

 

Dù là tỉnh còn nghèo, nhưng Quảng Nam đang dấy lên một phong trào “người người làm KH, nhà nhà làm KH”.

 

37 tỷ đồng trong 10 năm

 

Để có được những con số này, nhiều năm qua, các cấp hội KH đã nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc vận động, thu hút hội viên (mà cán bộ hội KH đa phần là cán bộ, thầy giáo đã nghỉ hưu). Ngoài ra, còn phải kể đến sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Chính sự quan tâm này đã tạo ra “cú hích” mạnh mẽ đến việc xây dựng và phát triển công tác KH, nhất là việc định hướng, chỉ đạo và phối hợp.

 

Quảng Nam: Người người làm khuyến học - 1
 Hầu hết các trường học ở Quảng Nam đều có chi hội khuyến học và hàng năm đều trao học bổng, quà cho học sinh nghèo.

 

Nhưng phải nói rằng, trên hết đó là sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Ngoài ý thức về chuyện học tập của con cái, giờ đây người dân đất Quảng đã nhận thức rõ hơn, sâu sắc hơn đến công tác KH. Chính vì vậy mà không chỉ những người có điều kiện kinh tế mới góp tiền cho KH, nhiều người dân tuy còn nghèo nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác KH.

 

Có lẽ cũng vì nghèo, lại tích cực với KH nên ở Quảng Nam mới xuất hiện những mô hình gây quỹ KH nhiều khả năng là “độc nhất vô nhị” trên cả nước. Đó là mô hình “mỗi nhà nuôi một con, trồng một cây” của người dân xã Tiên Cảnh (Tiên Phước); hay mô hình “sào ruộng KH, ngày công KH” của nông dân Tam An (Tam Kỳ). Ngoài ra còn có thể kể đến mô hình  “góp vốn lấy lãi để làm KH” của bà con người Quảng Nam đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ngoài tổ chức hội theo kiểu “hành chính” nêu trên, rất nhiều loại hình KH đã được hình thành như hội KH của các cựu chiến binh, cựu học sinh, cựu giáo viên.

 

Bà Phạm Thị Minh Chiến, Chủ tịch Hội KH Quảng Nam cho biết, trong vòng 10 năm qua, chỉ kể Hội KH tỉnh và các hội KH huyện, thành phố thì toàn tỉnh đã cấp 15.036 suất học bổng và khen thưởng 229.081 suất với tổng số tiền lên tới hơn 37 tỷ đồng.

 

Ngoài ra, các cấp hội còn vận động tổ chức, cá nhân hảo tâm đầu tư, hỗ trợ gần 49 tỷ đồng xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, sách vở, áo quần cấp phát cho học sinh nghèo.

 

Đối với tỉnh nghèo như Quảng Nam, đời sống của người dân còn khó khăn thì đây quả là một số tiền lớn và đầy ý nghĩa, động viên tích cực các em vượt qua khó khăn để học tập giỏi.

 

Không dừng lại ở việc KH cho học sinh, những năm gần đây, nhiều cấp hội KH đã dành một khoản kinh phí cho công tác khuyến dạy đối với giáo viên. Những giáo viên dạy giỏi, đạt thành tích xuất sắc trong công tác, những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều được khen thưởng, giúp đỡ. Rõ ràng sự quan tâm của hội KH là nguồn động viên rất lớn và tạo nên một không khí vui tươi, sôi nổi trong phong trào dạy giỏi của đội ngũ giáo viên.

 

Tường Vy