Quảng Nam: Đưa điệu múa Cơtu vào trường học
(Dân trí) - Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc Cơtu, nhiều đơn vị trường học ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã bắt đầu đưa múa trống chiêng rồi múa tung tung za zá vào trường học.
Bao đời nay, điệu múa tung tung za zá được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Cơtu vùng cao Quảng Nam. “Vũ điệu dâng trời” này đã trải qua bao thăng trầm của thời gian và vẫn mang trong mình nét quyến rũ, huyền bí của con người và thiên nhiên Nam Trường Sơn. Ngày xưa, người Cơtu từ già cho đến trẻ ai cũng biết múa vũ điệu này.
Theo thời gian và tác động của cuộc sống hiện đại, vũ điệu tung tung za zá dần mai một. Một số thanh niên nam nữ Cơtu không còn mặn mà như trước. Tại những lễ hội của đồng bào Cơtu, điệu múa này ngày càng ít người tham gia.
Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa dân tộc Cơtu, nhiều đơn vị trường học ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã bắt đầu đưa múa trống chiêng rồi múa tung tung za zá vào trường học.
Thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết, từ năm học này, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và đưa điệu múa tung tung za zá thành một một trong những hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong đó, vào các tối thứ bảy, chủ nhật, trường mời các nghệ nhân về nói chuyện về cái hay, ý nghĩa của điệu múa rồi truyền đạt lại kỹ thuật múa sao cho đúng với nguyên bản.
Hiện nay, từ lớp 6 đến lớp 9 của trường đều thành lập được đội múa riêng. Mỗi đội khoảng 20 em gồm 10 nam và 10 nữ. Nam học múa tung tung, nữ học múa za zá sau đó kết hợp lại thành điệu múa truyền thống tung tung za zá.
Ngoài việc tập múa, các em còn tự mua sắm trang phục, đạo cụ... Em Alăng Thị Yến (lớp 9/2) cho biết, từ nhỏ em cũng đã biết các điệu múa tung tung za zá. Thấy mấy chị, các bác lớn tuổi múa em học múa theo, nay được tập lại nên rất nhanh thuộc, cách di chuyển đôi chân, từng động tác za zá nhịp nhàng.
“Em rất thích học múa. Em tham gia tập hơn 2 tháng nay rồi. Cái khó nhất ở điệu za zá là chỗ vừa nhún chân vừa di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ. Dù khó nhưng em vẫn thích học vì đây là điệu múa truyền thống của đồng bào mình cần gìn giữ”, Alăng Thị Yến nói.
Chị Clâu Thị Mớp là người mấy năm nay làm cấp dưỡng cho trường giờ kiêm luôn “huấn luyện viên” do chị là người biết múa và múa đẹp. Vào các tối thứ bảy, chủ nhật chị lại tập múa cho các em. Dù không có trống chiêng rộn ràng như ngày hội nhưng các em vẫn say sưa luyện tập theo hướng dẫn của chị.
Chị Mớp bảo: “Vũ điệu tung tung za zá gắn bó lâu đời với đồng bào Cơtu, xuất hiện trong các lễ hội lớn như lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ hội dựng làng, dựng nhà Gươl... Không một người Cơtu nào xa lạ với điệu múa này. Theo tiếng Cơtu, tung tung có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi. Nên điệu tung tung dành cho nam thanh niên khỏe mạnh, thể hiện điệu múa nhộn nhịp, mạnh mẽ và hùng dũng. Còn za zá có nghĩa là thẳng hàng, nhịp điệu nhẹ nhàn, uyển chuyển mềm mại mang khát vọng tâm linh đón đợi ơn trời đất nên dành cho nữ. Cả nam giới và phụ nữ khi múa di chuyển theo vòng tròn. Múa tung tung za zá bao giờ cũng theo nguyên tắc nữ đi trước, nam đi sau; vòng trong là nữ, vòng ngoài là nam”.
Thầy Arất Tân là “huấn luyện viên” điệu múa tung tung cho biết: “Nam múa tung tung thì có kèm theo đạo cụ là cây đao và chiếc khiêng. Do nhà trường không có điều kiện nên đa số các em tự làm như cây đao bằng gỗ, khiêng thì làm bằng giấy các-tông, sau đó dùng sơn vẽ lên cho giống như chiếc khiêng thật. Dù đạo cụ chưa ngon lắm nhưng các em rất thích thú luyện tập. Nhìn những động tác vừa mạnh mẽ linh hoạt của người con trai hòa quyện với với bước chân uyển chuyển, đôi tay dịu dàng của người con gái trông thật đẹp mắt, thích thú.
Không riêng gì trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi mà hiện nay các trường tiểu học, THCS khác cũng đã đưa điệu múa này vào sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Tây Giang, từ năm 2014, nhà trường đã đưa điệu múa trống chiêng, rồi điệu múa tung tung za zá vào trường học, nhà trường còn tổ chức thi ở các lớp với nhau.
Ông Alăng Bưng - Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tây Giang nhận xét: Bảo tồn văn hóa Cơtu là việc làm cần thiết ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Trước cơn lốc của các mạng xã hội và sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền thì việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc cực kỳ khó. Chúng tôi rất muốn các em có vốn liếng về văn hóa dân tộc trước khi đi xa và cách đưa điệu múa Cơtu vào trường học là một ví dụ điển hình.
Huyện ủy Tây Giang đã có Nghị quyết 09 về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cơtu. Đến này, toàn huyện Tây Giang có 60/70 thôn có Gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), 8/10 Gươl xã và có 5 trường học có Gươl. Có trên 90% trường học đưa điệu múa tung tung za zá và múa trống chiêng vào sinh hoạt ngoài giờ lên lớp...
C.Bính-Đ.Hiệp