Quản trị trường phổ thông: Bắt đầu từ đâu?
(Dân trí) - Quản trị trường phổ thông là biện pháp quan trọng để thay đổi, nâng cao chất lượng giáo dục, trước hết là thay đổi cách dạy học và cách học. Vậy thay đổi quản trị phổ thông bắt đầu từ đâu?
Ngày 10/1, diễn đàn mở về quản trị trong trường phổ thông do Tổ chức giáo dục quốc tế EF (Education First) phối hợp tổ chức tại Hà Nội. Tham dự có đại diện của khoảng 200 trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội, Bộ GD&ĐT và một số Đại sứ quán.
Hiện nay, đổi mới quản trị trong nhà trường là xu thế phát triển quan trọng. Nhiều hội thảo đổi mới quản trị bậc Đại học đã được tổ chức nhưng còn ít các hội thảo về quản trị trong trường phổ thông.
Do vậy, đây là một trong những hội thảo tiên phong về chủ đề này với diễn đàn mở để các chuyên gia đóng góp ý kiến, nhằm nâng cao chất lượng quản trị nhà trường phổ thông. Theo đó, hội thảo đã đi sâu vào các vấn đề như Hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay và các chính sách, kinh nghiệm quản trị từ nhà trường cũng như từ nước ngoài về tự chủ tài chính và chương trình dạy học…
Nói như ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) tại Hội thảo, lâu nay nhiều người kêu chương trình của chúng ta nặng nhưng thực ra là do cách thức dạy học của giáo viên. Do đó, trước hết chúng ta phải thay đổi cả cách dạy học và cách học.
Còn theo Giáo sư Anya Eskidse, Hiệu trưởng Trường Niels Brock- Đan Mạch, quản trị trong nhà trường có những đặc thù riêng. Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, giáo dục sẽ phải bắt nhịp với sự chuyển mình mạnh mẽ và yêu cầu những người đừng đầu phải có kiến thức, kĩ năng của một nhà quản lý.
Bà Cao Phương Hà, Thạc sỹ ĐH Havard, Tổng Giám đốc EF Việt Nam cho hay, đổi mới luôn cần thiết trong giáo dục và để đổi mới có hiệu quả, vấn đề nhân lực và cơ chế rất quan trọng. “Vậy đâu là cơ chế để thu hút nhân tài vào ngành nếu không phải là sự trao quyền tự chủ để những người lãnh đạo được chịu trách nhiệm”?, bà Hà nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm của trường mình về công tác quản lý và hướng tới môi trường giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học, ông Lê Tiến Thành, Hiệu trưởng Trường tiểu học Victory cho hay, triết lý giáo dục của trường mình là lấy học sinh làm trung tâm còn giáo viên chỉ là người hướng dẫn.
Trong đó, nhà trường đặc biệt chú trọng đội ngũ giáo viên vì chất lượng giáo viên quyết định chất lượng học sinh. Do vậy, nhà trường thường xuyên bồi dưỡng, chú trọng tuyển dụng giáo viên trẻ tuổi bởi đây là đội ngũ có thể nhanh chóng cập nhật cái mới.
“Nhà trường chưa đủ năng lực tự xây dựng chương trình nhưng đã tự chủ theo hướng sử dụng có chọn lọc các nguồn tư liệu. Chúng tôi không quá lệ thuộc vào một tài liệu mà tích hợp có chọn lọc, mạnh dạn đưa các nội dung ưu việt của các tài liệu vào bài giảng”, ông Thành cho biết.
Ông Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú- trường công lập tự chủ chất lượng cao đầu tiên của Hà Nội, cũng chia sẻ kinh nghiệm.
Theo ông Nhâm, những ngày đầu khi nhà trường loay hoay tìm hướng tự chủ cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của tập thể cán bộ giáo viên nên hiện nay, nhà trường là đơn vị tiên phong cho mô hình công lập tự chủ tài chính toàn phần.
“Mỗi năm chúng tôi lấy ý kiến học sinh và cán bộ giáo viên 2 lần, để tham khảo ý kiến về những gì đã làm được hay chưa. Những người được lấy ý kiến từ lao công đến bảo vệ. Đối với học sinh, sau mỗi học kì, nhà trường đều lấy ý kiến đánh giá của học sinh và phụ huynh về sự hài lòng đối với nhà trường. Về chương trình, nhà trường cũng không áp dục bất biến mà có thay đổi cho phù hợp”, ông Nhâm chia sẻ.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe định hướng chủ trương đổi mới giáo dục và các chính sách hiện đang được Bộ GD&ĐT triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, các đại biểu nước ngoài cũng chia sẻ kinh nghiệm của các nền giáo dục tiên tiến Bắc Âu như Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, các kinh nghiệm quản trị trong nhà trường tự chủ và trách nhiệm của Hiệu trưởng trường phổ thông trong mô hình quản trị này.
Bảo Khê